Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức công bố, tăng trưởng tín dụng năm 2013 đạt 12,51%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là một thông tin đáng mừng và cũng gây sốc cho không ít người, bởi đến hết tháng 10/2013, tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 7,18%. Như vậy, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2013, hệ thống ngân hàng đã đạt thành tích gần bằng nỗ lực của cả 10 tháng trước đó.
TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam băn khoăn không biết luồng vốn này đã đi đâu. Bởi lẽ, năm 2013, số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn ngân hàng chỉ chiếm khoảng 15%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một đại diện của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khẳng định, hiện nay, ngân hàng thừa tiền, nhưng phải “đốt đuốc” mà vẫn khó tìm khách đủ điều kiện để cho vay. Do đó, với các ngân hàng nhỏ, đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của cả năm là rất khó. Tuy nhiên, với ngân hàng quốc doanh, tăng trưởng tín dụng không khó, chỉ cần rót vốn cho vài “đại dự án” là tín dụng có thể tăng 4 - 5%.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thời gian qua phụ thuộc vào một số ít ngân hàng quốc doanh. Hiện thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng này chiếm trên 50% thị phần tín dụng cả nước. Do đó, chỉ cần khối này đẩy mạnh cho vay là tín dụng cả nước sẽ được đẩy lên theo. Một minh chứng rõ nét cho thực tế này là trường hợp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tính đến hết tháng 7/2013, tín dụng của Vietcombank vẫn tăng trưởng âm, nhưng trong 5 tháng cuối năm, tín dụng của ngân hàng này đã tăng tới 14,7%.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank thừa nhận, rót vốn cho các dự án, các khách hàng lớn là nguyên nhân chính khiến Vietcombank đạt mức tăng trưởng thần tốc này. Cụ thể, trong 2 tháng cuối năm, Ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với hàng loạt tập đoàn lớn.
Không tăng trưởng “sốc” như Vietcombank, song Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có mức tăng trưởng tín dụng rất đáng nể trong năm 2013: 16,7%, gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của các ngân hàng trong hệ thống. Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, sở dĩ đạt được mức tăng trưởng này là do BIDV hỗ trợ nhiều dự án hạ tầng lớn.
Đánh giá về việc tín dụng tăng trưởng “sốc” trong 2 tháng cuối năm 2013, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây không phải là dấu hiệu đáng mừng.
“Việc tín dụng tăng vọt trong 2 tháng cuối năm đã giúp Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ tiêu đề ra, song lại thể hiện sự lệch pha của tín dụng, không thể hiện đúng sức khỏe của ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Hàng ngàn tỷ đồng được bơm ra trong 2 tháng cuối năm qua không được rót vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chủ yếu rót vào các đại dự án sử dụng vốn ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là, đa số doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ vẫn đang “chết” vì thiếu vốn. Nói cách khác, băng tín dụng vẫn chưa tan và vẫn tiếp tục làm khó các ngân hàng, doanh nghiệp trong năm 2014”, chuyên gia này phân tích.