Tìm yếu tố tác động, giúp thị trường M&A đột phá

Hơn 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế và 26 diễn giả đã có mặt tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) để phân tích nguyên nhân làm giảm sức hút của thị trường M&A, cũng như thúc đẩy dòng vốn hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ban Tổ chức Diễn đàn trao giải cho các thương vụ M&A tiêu biểu. Ảnh: Lê Toàn Ban Tổ chức Diễn đàn trao giải cho các thương vụ M&A tiêu biểu. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều dư địa cho nhà đầu tư ngoại

Qua 11 kỳ tổ chức, nhưng sức nóng của Diễn đàn M&A doanh nghiệp Việt Nam do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa bao giờ giảm sút.

Cùng với việc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) chi khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Vingroup (VIC), thương vụ KEB HANA Bank (Hàn Quốc) chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) diễn ra mới đây đã xoá tan bầu không khí ảm đạm của thị trường M&A nửa đầu năm 2019. Không những vậy, ông Michael DC Choi, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến đầu tư - thương mại Hàn Quốc (Kotra) còn tiết lộ, Hàn Quốc có 5 ngân hàng hiện diện tại Việt Nam và muốn tìm cơ hội xúc tiến M&A với nhiều lĩnh vực ở đây.

Động thái này diễn ra bất chấp những lo ngại trước đó về rào cản quy định “room” ngoại trong ngân hàng vẫn tối đa là 30%. Rõ ràng, thị trường M&A về tài chính ngân hàng đang còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng BIDV, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là những cái tên trong ngành tài chính, ngân hàng có mặt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ở London (Anh) mới đây, cũng gợi mở nhiều cơ hội đón dòng vốn từ Anh trong thời gian tới.

Theo thống kê, đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam mới đạt gần 4 tỷ USD, trong khi đầu tư gián tiếp gần 1,7 tỷ USD. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, hiện tại, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản (trong đó có 120 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, 149 tài khoản nhà đầu tư tổ chức), với tổng giá trị cổ phiếu sở hữu là gần 21.600 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư cho rằng, trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới, tài chính - ngân hàng vẫn là ngành khá “hot”, độ hấp dẫn cao.

Không chỉ vậy, giới đầu tư đến với Diễn đàn M&A còn hồ hởi với thông tin, nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hấp dẫn từ 571,41 triệu USD đến 966,31 triệu USD từ quỹ đầu tư ETFs.

FTSE Vietnam Index là chỉ số làm cơ sở tham chiếu cho quỹ ETF FTSE Vietnam UCITS, do Deutsche Bank quản lý. Chỉ số này bao gồm các công ty thuộc FTSE Vietnam All-Share Index còn đủ room nước ngoài và đáp ứng được các tiêu chuẩn đã đề ra.

Dựa trên dữ liệu từ Bloomberg, từ đầu năm tới hết ngày 1/7/2019, khối ngoại đã bơm ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 327,4 triệu USD, tương đương 7.600 tỷ VND.

Đáng chú ý, trong khi khối ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán của các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi trong tháng 5/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục được bơm ròng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là trong 7.600 tỷ VND mà khối ngoại mua ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, có tới 5.600 tỷ VND (tương đương với 76,6% giá trị giao dịch) đến từ hoạt động bơm ròng của các quỹ ETF.

Được biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE. Do vậy, giới phân tích kỳ vọng, Luật Chứng khoán sửa đổi được dự kiến thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối năm nay có thể sẽ khắc phục những tiêu chí còn lại để giúp Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại II trong kỳ đánh giá tháng 3/2020. Cụ thể, tiêu chí còn lại mà thị trường chứng khoán cần phải thỏa mãn là yếu tố thanh toán bù trừ.

Ngoài ra, theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, nguyện vọng lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới là Chính phủ giải quyết các vướng mắc để Việt Nam sớm thành lập quỹ hưu trí tự nguyện và mở đường cho các loại hình sản phẩm đầu tư, đa dạng hoá thị trường vốn.

Đơn giản thủ tục để tăng sức hấp dẫn

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ, tổng giá trị các giao dịch đạt khoảng 55 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt gần 7,6 tỷ USD

Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” được tổ chức trong bối cảnh hoạt động M&A đang đứng trước một lực hút lớn dòng vốn trên toàn cầu. Cùng với đó là những chuyển động chính sách mới của Chính phủ để tạo thuận lợi cho hoạt động M&A, cũng như việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, chủ trương của Chính phủ sắp tới sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới như đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức M&A.

Tất cả những yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng.

“Tuy nhiên, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, một số yếu tố cơ bản làm giảm sức hút của thị trường M&A chính là quy định pháp luật, quá trình định giá và công bố thông tin.

Theo đó, điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất khi đến với thị trường M&A Việt Nam là sự thiếu nhất quán trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư. Các giao dịch M&A đã và đang vướng nhiều thủ tục hành chính khiến cho thời gian của các giao dịch luôn bị kéo dài quá dự kiến, làm đội chi phí lên cao. Thậm chí, lường trước được khó khăn này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vào các giao dịch của mình nhiều tư vấn luật chuyên nghiệp, song họ vẫn không thể chắc chắn được thương vụ sẽ được hoàn tất theo đúng thời gian đã đặt ra.

“Khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, thì quy định của Việt Nam về M&A phải tiệm cận những thông lệ quốc tế, gỡ vướng cho các giao dịch”, bà Ngọc khuyến nghị.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong hoạt động M&A hiện nay là vấn đề định giá. Đây là bài toán nan giải từ lúc bắt đầu giao dịch cho đến lúc thẩm định, cũng như khi có các vấn đề phát sinh khác, yêu cầu phải điều chỉnh mức giá… Nhiều nhà đầu tư cho hay, giao dịch M&A thất bại bởi kết quả thẩm định không như kỳ vọng của họ và có sự chênh lệch khá lớn về định giá.

Một trong những khó khăn trong hoạt động M&A hiện nay là vấn đề định giá. Đây là bài toán nan giải từ lúc bắt đầu giao dịch cho đến lúc thẩm định, cũng như khi có các vấn đề phát sinh khác, yêu cầu phải điều chỉnh mức giá.   

Trong khi đó, việc chưa sẵn sàng trong việc cung cấp thông tin lại là khó khăn nhất đối với doanh nghiệp trong nước khi tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính. Chính yếu tố đó, cộng thêm sự khác biệt trong quy định, quy chuẩn về kiểm toán, kế toán, hay vấn đề pháp lý như đã nêu trên đã ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến thương vụ mua bán.

Liên quan đến dấu hiệu chững lại của tiến trình cổ phần dù có nhiều nỗ lực, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, hiện mặt bằng giá trị doanh nghiệp không quá cao để Nhà nước tiếp tục thoái vốn thành công. Nhà nước có thể mạnh dạn bán nhiều hơn cổ phần để các doanh nghiệp có yếu tố mới trong bộ máy quản trị.

Đại diện Bộ Tài chính thì cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Trong đó, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

“Để thị trường gia tăng số lượng và giá trị các thương vụ M&A, Ban Tổ chức Diễn đàn kỳ vọng sau diễn đàn này, các nhà làm chính sách, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ gặt hái được nhiều thông tin có ích, tăng sức hút của thị trường M&A Việt Nam”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A nói.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục