Quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính - tiền tệ được nhìn nhận là chưa tạo ra những bước tiến rõ nét trong dịch chuyển gánh nặng tài trợ vốn cho doanh nghiệp từ khu vực ngân hàng sang khu vực chứng khoán. Ông có cho là như vậy?
Lâu nay, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn quá phụ thuộc vốn vào hệ thống ngân hàng. Điều này kéo dài suốt thời gian qua và gây nên nhiều hệ lụy, chẳng hạn tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cao, chậm và khó được xử lý… Điều đáng nói là đến nay, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính - tiền tệ chưa khắc phục được một cách rõ nét tình trạng này.
Thực tế trên đòi hỏi phải có giải pháp xử lý hiệu quả trong thời gian tới, để thị trường vốn, thị trường chứng khoán thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho doanh nghiệp, còn ngân hàng là nơi cung cấp nguồn vốn ngắn hạn như phân vai của các loại thị trường này theo thông lệ quốc tế.
Theo ông, vì sao tình trạng doanh nghiệp lệ thuộc vào vốn ngân hàng bị kéo dài và chậm được khắc phục?
Ở nhiều nước, chẳng hạn doanh nghiệp cần 10 đồng vốn để khởi nghiệp, kinh doanh thì họ thường có trong tay khoảng 6-7 đồng, còn lại đi vay 3-4 đồng. Để có nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp thường huy động qua thị trường vốn, chỉ một lượng vốn lưu động nhỏ mới vay ngân hàng.
Thế nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Khi cần vốn cho khởi nghiệp hay khi muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, đa phần người kinh doanh thường nghĩ ngay tới ngân hàng và coi đây như là nguồn vốn duy nhất đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp vay nhiều trong bối cảnh vốn tự có không đáng kể, khiến cho chi phí tài chính tăng cao, tác động không tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính thói quen này khiến gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, chưa có sự chia sẻ xứng tầm mà lẽ ra thị trường vốn, thị trường chứng khoán phải đảm trách như thông lệ các nước.
Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương sửa đổi để theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Theo ông, quy định pháp lý mới cần đưa ra những định hướng nào để khắc phục hạn chế trên, qua đó vừa thúc đẩy, vừa khích lệ doanh nghiệp tìm kiếm vốn qua thị trường chứng khoán?
Việc doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay của hệ thống ngân hàng, không chỉ gây nên những rủi ro cho chính họ, mà còn cho cả hệ thống ngân hàng. Điều này đã bộc lộ trong thời gian qua. Để khắc phục hiện trạng này, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính - tiền tệ, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp lý cần đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm thúc đẩy theo hướng đảm bảo cân bằng hơn tỷ lệ vốn mà thị trường tiền tệ và thị trường vốn tài trợ cho doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc hiệu quả, mạnh mẽ cả từ phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quan lý nhà nước, việc hình thành hệ thống cơ chế, chính sách mới cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Muốn đạt mục tiêu này, điều kiện huy động vốn qua thị trường chứng khoán cần phù hợp với thực tế, thủ tục cần thông thoáng, để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ nhà đầu tư với tư cách là những người rót vốn vào doanh nghiệp.
Các cơ chế mới cũng cần vừa tăng sức ép, vừa khích lệ doanh nghiệp nâng cao chất lượng minh bạch thông tin, bởi đây là yếu tố mang tính quyết định đến sự thành hay bại trong huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Về phần mình, để huy động tốt nguồn vốn qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình. Nói cách khác, muốn huy động vốn thành công qua thị trường chứng khoán, doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, minh bạch hoạt động. Kèm theo đó, các doanh nghiệp cần có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khả thi, để từ đó tạo sức hút đối với các nguồn vốn trong xã hội.