LHG: Có thể tạm thời bán ra
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Các tín hiệu kỹ thuật đều đang ủng hộ cho xu hướng tăng hiện tại của LHG của CTCP Long Hậu. Cụ thể, đường xu hướng giảm ngắn hạn bắt đầu từ tháng 3/2016 đã bị phá vỡ; Bollinger Bands bung mạnh sau giai đoạn co hẹp; khối lượng giao dịch duy trì ở mức tích cực trong các phiên giao dịch gần đây.
Tuy nhiên, LHG sắp tiếp cận trở lại vùng kháng cự 27.1-28.1, vùng đỉnh cũ được xác lập vào cuối tháng 3/2016 và ngưỡng Fibonacci Retracement 78.6% của nhịp giảm từ 04/2010 đến 09/2013.
Bên cạnh đó, chỉ báo ADX cho thấy xu hướng tăng hiện tại vẫn chưa thực sự mạnh. Vì vậy, LHG có thể sẽ gặp lực cản khi chạm trở lại vùng 27.1-28.1 và diễn biến điều chỉnh, tích lũy ngắn hạn có thể xuất hiện.
Nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu cho mục tiêu ngắn hạn có thể xem xét tạm thời bán ra khi LHG tăng lên vùng 27.1-28.1. Kỳ vọng có thể mua lại ở vùng 24.4-25; hoặc mua lại khi giá tăng vượt ngưỡng 28.2, trong trường hợp LHG không điều chỉnh khi chạm đến vùng kháng cự.
TLG: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Kết quả kinh doanh năm 2015 của CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã TLG) khá ấn tượng, với doanh thu thuần đạt 1.883,7 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm trước và vượt 4,7% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 187,8 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm trước và vượt 13,9% kế hoạch.
Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, TLG đặt kế hoạch năm 2016 với mục tiêu doanh thu 2.150 tỷ đồng, tăng 14,1% so với kết quả năm trước; lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, tăng trưởng 30%.
Theo đó, chúng tôi ước tính EPS Forward năm 2016 là 5,612 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá 78,000 đống/cổ phiếu ngày 26/05/2016, chỉ tiêu P/E forward là 13,9. Từ đầu năm 2016 đến nay, thị giá TLG đã tăng giá 20%.
Với kế hoạch 2016 khả quan cùng tốc độ tăng trưởng bền vững của TLG và chính sách chi trả cổ tức đều đặn, chúng tôi khuyến nghị Nắm Giữ đối với cổ phiếu TLG.
CAP: P/E hấp dẫn, ở mức 6,14 lần
CTCK MB (MBS)
Công ty cổ phần Nông Lân sản thực phẩm Yên Bái (CAP) lợi thế bởi có trụ sở và các nhà máy nằm ngay trên địa bàn có vùng nguyên liệu dồi dào cho lĩnh vực sản xuất chế biến lâm nông sản. Vị thế lớn của CAP thể hiện ở uy tín cũng như thương hiệu YFACO đối với các đối tác trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực giấy đế xuất khẩu, gia công vàng mã xuất khẩu và chế biến tinh bột sắn. Hiện nay, công ty đang sản xuất các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp như giấy đế, giấy vàng mã, tinh bột sắn, tinh dầu quế, giấy lề, bã sắn...
Những năm vừa qua, CAP đã quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng 3.500 ha, ở 8 xã phía Bắc, đảm bảo mang về 70.000 tấn sắn mỗi năm và đáp ứng đủ cho nhà máy chế biến sắn tại Văn Yên có công suất 20.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu dồi dào thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất chế biến lâm nông sản.
Hiện nay, CAP vẫn hoạt động kinh doanh dựa trên cột sống chính là nhà máy tại Văn Yên với nhiều dự án được triển khai nhằm tối đa hóa năng suất, cùng với tận dụng lợi thế sẵn từ 2 nhà máy mang lại. Năm 2016, Công ty tiếp tục triển khai dự án trồng và sản xuất thử nghiệm tinh bột khoai lang và thực hiện dự án mới nâng cấp cải tạo xử lý nước thải nhà máy sắn Văn Yên.
Trong quý I mặc dù doanh thu giảm 21,66% so với cùng kỳ năm 2015, còn 74,49 tỷ đồng, tuy nhiên do giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh khiến lãi ròng của CAP tăng gần 38% đạt 4,71 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch đề ra.
ĐHCĐ năm 2016 của CAP đã đưa ra quyết định chi trả 65% cổ tức 2015 bằng tiền mặt, trong đó, CAP đã chi 20% cho các cổ đông vào ngày 15/3 vừa qua. Công ty dự định sẽ chia nốt 45% cổ tức còn lại sau khi bán hết hàng tồn kho tinh bột sắn.
Mức P/E hiện tại của CAP là 6,14 lần, mức P/E này được đánh giá là khá hấp dẫn cho một doanh nghiệp tăng trưởng và có chính sách cổ tức ổn định như CAP.