Trong một lần đang làm việc tại cánh đồng ở khu làng Sujanpur, quận Balasore, bang Odisha, Ấn Độ, anh Basudev Mahapatra đã phát hiện ra con rùa có màu sắc vô cùng kỳ lạ.
Ngay lập tức, anh chàng này đã đem con rùa vàng này về nhà rồi giao nộp cho các cơ quan chức năng để xác minh nguồn gốc của nó.
Sự xuất hiện của con vật quý hiếm lập tức gây xôn xao dư luận trong vùng. Siddhartha Pati, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn đa dạng sinh học tỏ vẻ ngạc nhiên và cho biết ông chưa từng nhìn thấy con rùa có màu sắc kỳ lạ như vậy bao giờ.
Toàn bộ phần mai và thân của con rùa đều có màu vàng chóe cực kỳ hiếm thấy.
Theo như vị chuyên gia này lý giải, màu sắc của con rùa có thể là do mắc chứng bệnh bạch tạng gây ra.
"Đây là một dạng của rối loạn bẩm sinh, nguyên nhân do thiếu hoàn toàn hoặc một phần các sắc tố trong da, tóc và mắt. Điều này do tyrosine, một loại enzim có liên quan đến quá trình sản sinh melanin trong cơ thể, bị lỗi hoặc thiếu", Pati thông tin thêm.
Pati cho biết, con rùa trên thuộc giống Lissemys punctata, đang ở độ tuổi trưởng thành (khoảng 1,5 đến 2 tuổi).
Clip nguồn: CNN.
Loài rùa Lissemys punctata thường xuất hiện ở các khu vực như Pakistan, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Myanmar. Đây là loài động vật ăn tạp với thức ăn chủ yếu là ếch, ốc sên và một số thực vật thủy sinh.
"Chúng tôi khá thường xuyên tìm thấy các sinh vật như rùa và cua ở khu vực này. Sau khi giải cứu, những con vật trên sẽ được thả trở về môi trường tự nhiên. Nhưng với trường hợp rùa bạch tạng thì đây là lần đầu tiên được tìm thấy ở bang Odisha và là lần thứ hai ở Ấn Độ", Pati nói với báo chí.
Con rùa vàng đã được các chuyên gia trao trả trở lại môi trường tự nhiên ở Balasore.
Trước đó vào năm 2016, các tình nguyện viên của tổ chức Coolum and North Shore Coast Care cũng đã phát hiện ra một con rùa biển bạch tạng màu xanh sơ sinh tại bãi biển ở Australian.