Tìm nhà ở cho người thu nhập thấp

(ĐTCK) Là một thành phố đông dân nhất nước, nhu cầu nhà ở bình dân tại TP.HCM cực lớn, trong khi giá nhà đất không ngừng tăng cao, khiến giấc mơ an cư của người thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách. 
Giải pháp phát triển thành phố vệ tinh là khả thi Giải pháp phát triển thành phố vệ tinh là khả thi

Nhu cầu lớn, cung nhỏ giọt

Hiện nay, quy mô dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số; có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới.

Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại Thành phố, có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ.

Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu nơi lưu trú, nhưng hiện chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho 39.400 người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.

Chỉ riêng khu nhà máy may mặc của Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân đã có khoảng 100.000 công nhân lao động, trong đó, hơn 80% là công nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Hầu hết công nhân, lao động này đều đang phải thuê phòng trọ, nhà trọ.

Do vậy, giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, trước hết là phải có nhiều căn hộ cho thuê giá thấp, có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn hơn cần phải được coi là nhiệm vụ chính trị của Thành phố, có tính nhân văn và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị.

Trong lúc hiện nay đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê, và căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá thấp từ 1 - 3 triệu đồng/tháng.

Các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường đại học khác đã giải quyết được chỗ ở cho khoảng 25.000 sinh viên và còn có khả năng tiếp nhận thêm khoảng 25.000 sinh viên nữa.

Tuy nhiên, các ký túc xá sinh viên, các khu lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố hiện nay mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 15%, và có đến trên 70% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.

 TP.HCM là thành phố đông dân nhất nước

Dự báo, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM vẫn có thể làm được căn hộ 30m2, có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn.

Cụ thể, đó là những nơi có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông, gần các khu công nghiệp, nơi làm việc, có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, công viên, nền địa chất vững chắc.

Trên thực tế, theo đại diện HoREA, TP.HCM đã bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội như Khu chế xuất Linh Trung I - III rộng 326ha, Khu công nghệ cao 913ha, Công viên phần mềm Quang Trung 43ha, Đại học Quốc gia TP.HCM 647ha.

Riêng Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước 3.600ha có điều kiện thuận lợi về quỹ đất nhưng do nền đất yếu, lại chưa phát triển đầy đủ hệ thống hạ tầng, dịch vụ nên chi phí đầu tư loại nhà này sẽ cao hơn.

Khu chế xuất Tân Thuận 320ha cũng đã điều chỉnh quy hoạch và đã giao cho Công ty Sadeco và các doanh nghiệp FDI phát triển dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, lao động của khu chế xuất và của doanh nghiệp khối này.

Với quỹ đất công nêu trên, TP.HCM có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.

“Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội”, ông Châu nói. 

Tạo quỹ đất xa trung tâm

Theo ông Lê Hoàng Châu, từ sau năm 2000, đã có các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, và đến nay đã có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nhà ở xã hội.

Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, tại các quận ven và huyện ngoại thành như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Công ty Hoàng Quân... Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu về nhà ở thì vẫn chưa thấm vào đâu.

Theo kiến nghị của HoREA, một trong những giải pháp để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay là TP.HCM nên làm việc với các tỉnh thuộc Vùng đô thị TP.HCM để phối hợp phát triển tại các huyện giáp ranh thành phố như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)...

Đồng thời, chuyển các ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày vốn sử dụng lực lượng lao động lớn về các tỉnh để cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại dân cư của thành phố.

Đi đôi với đó là phát triển các khu đô thị vệ tinh, trong đó có các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, để góp phần tái phân bổ dân cư Vùng TP.HCM theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thì phải có trách nhiệm đầu tư các khu nhà lưu trú cho công nhân, lao động (hiện nay chi phí đầu tư nhà ở công nhân, lao động đã được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp).

Ngoài ra, để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, như Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.

Tập trung phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị. Đồng thời, sớm ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích dưới 45m2 với tỷ lệ khoảng 25-30% trong dự án nhà ở và giao quyền cho các địa phương quyết định các khu vực được quy hoạch để phát triển loại hình căn hộ nhỏ này.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Khuyến khích hình thành Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.

Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, lao động làm việc tại doanh nghiệp đó.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục