Tìm lời giải cho các chung cư thời ô nhiễm

(ĐTCK) Các sự cố môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí và nước sạch đang đặt ra bài toán đầy thách thức với các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Báo động đỏ ô nhiễm không khí

Không phải đến bây giờ, những vấn đề lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mới được đề cập, mà trước đó, tại nhiều diễn đàn, hội nghị, thậm chí tại nghị trường Quốc hội, vấn đề ô nhiễm không khí đã được nhắc tới. Trong thời gian vừa qua, câu chuyện nhận được sự quan tâm lớn hơn khi nhiều công cụ đo chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM cho kết quả trên mức báo động.

Chẳng hạn, ngày 12/11 vừa qua, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng nâu theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và ngưỡng nguy hại theo cách tính AQI của Việt Nam. Hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng vào sáng cùng ngày khi điểm đo ở Hàng Quạt lên ngưỡng nâu với mức 324. Nhiều điểm đo xấp xỉ ngưỡng nguy hại như Nguyễn Chế Nghĩa (quận Thanh Xuân) là 299, điểm đo Phạm Tuấn Tài (quận Cầu Giấy) là 295. 

Hầu hết các điểm đo của hệ thống này ở ngưỡng tím - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người. Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Với mức ô nhiễm này, khuyến cáo được đưa ra là tất cả mọi người, nhất là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp phải ở trong nhà.

Là người có nhiều năm hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực về môi trường, GS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, các đô thị Việt Nam đang phát triển khá nhanh và thay đổi diện mạo mạnh mẽ. Bên cạnh những yếu tố tích cực đạt được, cũng có vô số mặt tiêu cực dễ nhận thấy, đó là các đô thị đang ô nhiễm trên nhiều phương diện, đặc biệt là ở những đô thị lớn.

Tìm lời giải cho các chung cư thời ô nhiễm ảnh 1

Nhiều khu vực ở Hà Nội đang ô nhiễm không khí ở mức nguy hại

Xuất phát từ vấn đề về quy hoạch chưa tính toán được hết những yếu tố về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng cơ sở gắn bó trực tiếp với người thụ hưởng. Trong đó, việc mở rộng quá mức không gian đô thị tạo ra mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển, hay phát triển để bảo tồn di sản đô thị…, đảm bảo đô thị phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House cho biết, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng phát triển kép do các vấn đề về phát triển khu đô thị. Sự hình thành của các khu chung cư cao tầng tạo ra diện mạo mới cho đô thị, nhưng kèm theo đó là tình trạng "nhấp nhổm" vì môi trường sống bị ảnh hưởng. Đô thị tăng nhanh, nhưng tỷ trọng hạng mục phục vụ cho vấn đề xã hội chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của đời sống xã hội người dân.

An toàn phải là tiêu chí hàng đầu của một không gian sống chuẩn mực

Trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức nguy hại, nhu cầu về một nơi sống an lành càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Nắm bắt được nhu cầu này, đã có nhiều chủ đầu tư theo đuổi chiến lược hướng tới giải quyết vấn đề môi trường bằng việc phát triển yếu tố thiết kế xanh, kết hợp đầu tư các giải pháp như thiết bị lọc không khí, lọc nước trong các khu đô thị do mình phát triển. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và tốc độ xây dựng ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này còn quá khiêm tốn do bài toán chi phí tăng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, hai rào cản lớn cho việc theo đuổi đầu tư các yếu tố xanh với các giải pháp bảo vệ môi trường sống là chi phí tiềm ẩn và thất bại của thị trường khi chưa được người tiêu dùng đánh giá một cách triệt để.

Xu hướng quá nhiều người chỉ coi đó là giải pháp marketing chứ không mang nhiều ý nghĩa thiết thực, đã khiến cho người tiêu dùng cảm thấy khó khăn hơn khi tiếp cận với các dự án gắn mác xanh hay mác bảo vệ môi trường.

Thực tế, nhiều dự án trong thời gian vừa qua sau khi bàn giao đã bộc lộ nhiều vấn đề khi không đảm bảo được những cam kết về môi trường sống như quảng cáo lúc bán hàng. Chẳng hạn, một dự án tại Mỹ Đình dính nhiều lùm xùm khi khách hàng cho rằng chủ đầu tư "treo đầu dê, bán thịt chó". Trong khi nhân viên bán hàng quảng cáo dự án có hệ thống lọc nước riêng, đảm bảo chất lượng nước đến từng căn hộ "có thể uống tại vòi", nhưng khi đến thăm dự án trước ngày nhận bàn giao, cư dân mới ngã ngửa, không có hệ thống "lọc nước kép tiên tiến nhất thế giới" như quảng cáo. Thay vào đó, chủ đầu tư lắp cho mỗi căn hộ một bộ máy lọc nước Kangaroo.

Bà Lê Thị Lan Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Virex, đơn vị tư vấn phát triển và bán hàng dự án King Palace (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, không phủ nhận có những thách thức nhất định khi muốn theo đuổi phát triển các dự án bất động sản gắn liền với yếu tố bền vững cho cuộc sống của khách hàng, đặc biệt là vấn đề về chi phí đầu tư, nhưng không vì thế mà không tính đến việc đầu tư cho không gian sống an toàn, thoải mái và thông minh hơn của khách hàng.

Tìm lời giải cho các chung cư thời ô nhiễm ảnh 2

Nhiều dự án như King Palace trang bị hệ thống điều hòa lọc không khí cung cấp khí tươi đến từng căn hộ

Bởi lẽ, đây là những yếu tố mang tính dài hạn và đảm bảo cho giá trị sống của người thụ hưởng. Quan trọng là cách truyền thông như thế nào. Cần phải có cách thức chứng minh hiệu quả thực sự của những dự án gắn với yếu tố sống bền vững của khách hàng qua cách nói thực, làm thực. Chẳng hạn, với khách hàng cao cấp, dù giá căn hộ cao hơn giá thị trường vẫn không là vấn đề, mà vấn đề nằm ở “giá trị” thực sự của dự án đó.

"Nếu tính toán chi tiết, cho dù khoản đầu tư ban đầu có cao hơn so với dự án thông thường, nhưng kết quả thu về sẽ bền vững, hiệu quả lâu dài, kiểu ‘một vốn bốn lời’", bà Lan Anh nhấn mạnh.

Theo bà Lucy Auden, lãnh đạo toàn cầu Bộ phận ESG (môi trường, xã hội và quản trị) tại Savills, bất động sản xanh bền vững và bảo vệ môi trường là xu hướng của tương lai. Trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng tên là Impact investing (đầu tư có tầm ảnh hưởng) với chủ đích tạo ra tác động xã hội hoặc môi trường, bên cạnh lợi nhuận tài chính truyền thống.

Theo bà Lucy Auden, các nhà quản lý đầu tư bất động sản đã và đang dần lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

"Thay vì nói ‘tôi sẽ mua tòa nhà xanh này để làm đẹp danh mục đầu tư’, thị trường đang bắt đầu suy nghĩ ‘nếu tôi mua một tòa nhà không có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu liệu tôi có thể bán nó được không? Với sự lo ngại về khí hậu ngày một tăng, liệu 15 - 20 năm nữa có nhà đầu tư nào mua bất động sản mà sẵn sàng chấp nhận việc không phòng ngừa rủi ro liên quan tới khí hậu?’", bà Lucy Auden nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Linh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục