Tìm kênh đầu tư nửa cuối năm 2022: Chấp nhận rủi ro hay kê cao gối ngủ

0:00 / 0:00
0:00
Thanh khoản mất hút, diễn biến của thị trường chứng khoán lẫn bất động sản quý II/2022 khiến nhà đầu tư mất ăn, mất ngủ.
Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng quay lại “phòng thủ” với vàng. Ảnh: Đức Thanh. Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng quay lại “phòng thủ” với vàng. Ảnh: Đức Thanh.

Run sợ nằm yên hay dũng cảm rình mồi đang là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư trong việc tìm kiếm chiến lược nửa cuối năm 2022.

Chứng khoán và bất động sản vẫn còn nhiều cơ hội

Thị trường bất động sản chững lại, thị trường chứng khoán đang le lói phục hồi sau khi sụt giảm sâu trong quý II/2022, tiền ảo lao dốc không phanh, vàng biến động khó lường và giá chênh lệch quá cao so với thế giới, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, lãi suất tiết kiệm tuy có xu hướng tăng song vẫn ở mức thấp... khiến nhà đầu tư loay hoay tìm nơi rót vốn nửa cuối năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu, cuộc đua tăng lãi suất ngày càng gay gắt, những dự báo về đình lạm của các nền kinh tế lớn được đưa ra ngày một nhiều..., thì triển vọng của thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam 6 tháng cuối năm không mấy sáng sủa.

Mặc dù thị trường chứng khoán tháng 6 đã có sự hồi phục, song TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường có nguy cơ quay đầu về 1.100 điểm cuối năm nay và khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn chiến lược đầu tư bảo thủ. “Chọn ngủ yên hơn là chọn ăn ngon”, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế có quan điểm ngược lại. Lạm phát được kiểm soát tốt, chống dịch hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng cao, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai, lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản liên tục lập kỷ lục, khối ngoại mua ròng từ đầu năm đến nay, T+2 sắp áp dụng… là các điểm tích cực cho thị trường.

Hiện nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm kiếm các kênh đầu tư trú ẩn trong bối cảnh lạm phát tăng. Đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, tài sản số, vàng hay gửi tiết kiệm tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Thị trường đang có nhiều cơ hội, song nhà đầu tư phải xác định khẩu vị rủi ro của mình, đa dạng hóa danh mục và sử dụng đòn bẩy ở mức độ hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông, tăng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức...

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm nay rất sáng sủa và VN-Index sẽ đóng cửa năm ở mức 1.436 - 1.614 điểm.

Theo thống kê của Dragon Capital, trong các kênh đầu tư có triển vọng dài hạn, chứng khoán vẫn đứng đầu về độ hấp dẫn, tiếp theo là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng, vàng, USD...

Riêng với bất động sản, khó khăn được dự báo còn kéo dài khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách kiểm soát chặt chẽ với tín dụng bất động sản. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, doanh nhiệp bất động sản phụ thuộc 80% vào vốn huy động trên thị trường (tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ khách hàng), song hiện tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, trong khi huy động vốn từ khách mua nhà cũng khó vì khách hàng cá nhân cũng khó vay vốn ngân hàng.

TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản nhận định, hiện nay, thanh khoản của thị trường bất động sản hạn chế, nguồn cung khan hiếm. Tình hình này có thể kéo dài tới cuối năm nay. Điểm sáng nhất của thị trường bất động sản thời gian tới là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản có thể gia tăng khi việc đi lại đã được bình thường hóa sau dịch bệnh, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản khu công nghiệp.

Dù thị trường chậm lại, song nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn lạc quan. Ông Đặng Hoài Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc và đây là cơ hội, là thời điểm cho những sản phẩm mang lại giá trị thực cho nhà đầu tư, khách hàng lên ngôi.

Tiền mặt là vua, nhà đầu tư cần cân nhắc khẩu vị rủi ro

Nửa đầu năm nay là khoảng thời gian rất khó khăn cho các nhà đầu tư. Theo ông Phan Dũng Khánh, 6 tháng đầu năm nay, kênh sinh lời tốt nhất là gửi tiết kiệm, còn các kênh đầu tư tài sản khác hầu hết đều thua lỗ. Thị trường chứng khoán giảm sâu thời gian qua đã giúp nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là F0 hiểu rằng, đầu tư là công việc nghiêm túc, kiếm được tiền đã khó mà giữ được còn khó hơn gấp vạn lần.

Lời khuyên cho lựa chọn kênh đầu tư 6 tháng cuối năm của các chuyên gia rất khác nhau. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “tiền mặt là vua”, ai giữ càng nhiều tiền mặt càng có lợi thế và gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt. Thị trường chứng khoán sẽ lình xình đi ngang và tích lũy từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa thể nóng trở lại do bị siết tín dụng, siết trái phiếu doanh nghiệp, nguy cơ bị đánh thuế căn nhà thứ hai...

Hiện nhiều nhà đầu tư có xu hướng quay lại “phòng thủ” với vàng. Tuy vậy, theo các chuyên gia, vàng chỉ nên được coi là kênh trú ẩn thay vì kênh kiếm lời. Trên thế giới, giá vàng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 1,2%, còn giá vàng trong nước biến động khó lường do chênh lệch quá cao so với giá thế giới.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục đầu tư của mình, nhưng vàng chỉ nên chiếm 10-20% tổng tài sản.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, song phải dựa trên hiểu biết và khẩu vị rủi ro của mình để quản trị rủi ro. Thực tế, thị trường nửa đầu năm nay cho thấy, đa phần người gửi tiết kiệm có lợi nhuận cao hơn những người đầu tư vào các kênh “nóng” khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền số...

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục