Không chủ quan rủi ro lạm phát
Lạm phát trên thế giới tăng mạnh cùng bão giá hàng hóa khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tìm kênh trú ẩn. Tại Việt Nam, dòng tiền đầu tư của người dân cũng có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư. Tình trạng này đã được dự báo trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, gây thêm sức ép cho lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu. Sức ép từ chiến sự ở Ukraine khiến giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới, từ dầu thô cho đến kim loại, lương thực, thực phẩm tăng vọt. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% tại Việt Nam hiện đứng trước nhiều thách thức.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đà phục hồi của sức cầu, xu hướng tăng giá hàng hóa thế giới, độ trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán là những vấn đề cần được nhìn nhận một cách tổng thể, đa chiều trong mối liên hệ với lạm phát.
Rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu và lạm phát chịu áp lực tăng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức cao, giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới chưa có dấu hiệu sẽ sớm hạ nhiệt. Giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm 28,5% rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI) của Việt Nam, đồng thời tác động đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.
Ông Lực ước tính, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30 - 40% so với năm 2021, tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ giảm từ 1,2 - 1,5% và lạm phát cao thêm 0,8 - 1%. Lạm phát năm 2022 dự kiến trong khoảng 3,4 - 3,7%.
Dự báo, năm 2022, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào bất động sản, bao gồm dòng tiền từ những nhà đầu tư chốt lời chứng khoán chuyển sang.
Đáng lưu ý, tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.
Bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lạm phát trong năm 2022 đối mặt với áp lực lớn, bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có nguy cơ về “lạm phát nhập khẩu”, giá cả nhiều ngành hàng tăng nhanh. Cùng với đó, khi kinh tế phục hồi dưới tác động của các gói hỗ trợ, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2022 trong khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% phụ thuộc vào diễn biến giá hàng hoá thế giới. Năm ngoái, CPI bình quân tại Việt Nam tăng 1,84% và lạm phát toàn cầu ước tính ở mức 3,8%, cao nhất trong vòng 10 năm. Quý I năm nay, CPI tăng 1,92%, cao hơn mức tăng 1,92% của cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017 - 2020.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và không ít tổ chức khác cảnh báo về rủi ro “nhập khẩu lạm phát” gia tăng. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần có những kịch bản cần thiết theo hướng thắt chặt trong điều kiện cần phải kiểm soát lạm phát.
Hiện tại, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm nên CPI dự kiến không tăng nhiều. Tuy vậy, áp lực lạm phát năm 2022 đối với kinh tế Việt Nam đang hiện hữu. Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô có khả năng tiếp tục đi lên trong những năm tới do nhu cầu dần gia tăng, trong khi nguồn cung hạn chế. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.
Một chuyên gia tài chính nhận định, kinh tế Việt Nam phụ thuộc không nhỏ vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép lên lạm phát trong năm 2022.
Lựa chọn kênh đầu tư
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm 2021, nhưng bước sang năm nay, các yếu tố gây lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%. Lạm tăng cùng bão giá hàng hóa đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tìm kênh trú ẩn. Trên thế giới, dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, cổ phiếu… và tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm.
Tại Việt Nam, dòng tiền đầu tư của người dân cũng đang có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư. Đối với tiền gửi ngân hàng, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng từ nay đến cuối năm, nhưng kênh đầu tư này chưa thực sự hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất nhiều khả năng vẫn ở mức thấp. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng phù hợp với nhà đầu tư có ít tiền nhàn rỗi và khẩu vị rủi ro thấp.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nếu so với lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở dưới mức 2%, thì với mặt bằng lãi suất 4 - 5,5%/năm, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát đang gia tăng, trong khi đó, bất động sản, chứng khoán, vàng vẫn hấp dẫn để hút tiền nhàn rỗi. Trước nguy cơ tiền mặt suy giảm giá trị vì lạm phát, một bộ phận nhà đầu tư đã nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn an toàn cho tài sản. Trong đó, bất động sản và vàng được coi là kênh đầu tư hữu hiệu, đáp ứng khẩu vị đầu tư an toàn và sinh lời bền vững.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia phân tích tài chính cho hay, kết quả đầu tư chứng khoán năm 2021 và kết quả trong giai đoạn dài đầu tư nhà đất tốt hơn nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Giá nhà đất tại Việt Nam tăng rất mạnh trong 6 năm qua, đặc biệt là đất vùng ven, giúp nhà đầu tư rót tiền vào bất động sản lãi cao. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở đi, việc đầu tư nhà đất đòi hỏi sự phán đoán, nhận định đặc điểm, cơ hội của từng bất động sản cụ thể, chứ không dựa trên nguy cơ tiền đồng mất giá. Mặt khác, giai đoạn 2022 - 2023, chỉ số lạm phát khó có thể cao hơn 5%. Vì thế, đầu tư vào đất nền không dễ lãi cao như trước, trừ một số ít địa phương.
Đối với vàng, ông Hiển nhìn nhận, những năm gần đây, kim loại quý này không còn được nhiều nhà đầu tư có khả năng mua số lượng lớn quan tâm, mà họ tập trung rót vốn vào bất động sản, cổ phiếu, bởi chênh lệch giá vàng trong nước quá cao so với thế giới.
Về mức độ mất giá của tiền đồng, các số liệu thống kê cho thấy, sự mất giá của VND (thông qua CPI) so với vàng và USD ở mức thấp, tức VND đang có giá rất tốt. Chẳng hạn, nếu gửi tiền vào ngân hàng, lãi nhập vốn trong 6 năm (2016 - 2021) với lãi suất bình quân 7%/năm thì mức tăng là 50%. Giá vàng SJC trong cùng khoảng thời gian tăng 75%. Trong khi đó, chỉ số CPI trong 6 năm qua chỉ tăng 19% và tỷ giá USD/VND tăng 4%. Như vậy, sức mua của VND và quy đổi qua USD đều ở mức thấp hơn lãi suất ngân hàng. Việc gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua vàng đều có mức lãi phù hợp và đang ở mức khá cao so với mức mất giá của tiền đồng.
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, tăng trưởng tiền gửi dân cư sẽ không có nhiều cải thiện trong năm nay, bởi người dân có nhiều sự lựa chọn đầu tư, nhất là khi mặt bằng lãi suất còn ở mức thấp. Thực tế, mức lãi suất giảm sâu trong 2 năm vừa qua khiến người dân dần tìm tới những kênh đầu tư có khả năng mang lại lợi suất cao như chứng khoán, bất động sản.
Lưu ý, bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro. Trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh tháng 3 và 4/2022, có người chớp được thời cơ, hiện thực hóa lợi nhuận ở vùng giá cao. Nhưng nhiều người khác kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng nên “gồng” lãi, đến khi giá đảo chiều đột ngột thì trở tay không kịp, lãi suy giảm, thậm chí thua lỗ. Tình trạng này cũng khó tránh khỏi đối với thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào bất động sản, bao gồm dòng tiền từ những nhà đầu tư chốt lời chứng khoán chuyển sang.
Về kênh đầu tư cổ phiếu, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều cơ hội, nhưng sẽ khó đầu tư hơn trước, có nhiều thách thức và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn, phân tích và lựa chọn kỹ càng hơn. Bởi lẽ, thị trường thường tăng chậm lại và có các đợt điều chỉnh sau một quá trình tăng mạnh trước đó.