Tìm giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam đã diễn ra chiều 21/12/2021 tại Hà Nội, chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Ảnh: Thành Nguyễn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp tư vấn đầu tư.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính: thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế bối cảnh hậu Covid-19 và cơ hội đầu tư từ các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới.

Đánh giá cao các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp FDI nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng của Chính phủ Việt Nam, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, trong đại dịch, Chính phủ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp FDI, đưa ra được những quyết tâm chính trị lớn. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc Chính phủ cam kết không gây gián đoạn sản xuất kinh doanh, có sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin 2 chiều liên tục với cộng đồng doanh nghiệp.

“Chính phủ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội thảo luận, đối thoại với doanh nghiệp. Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia làm được điều này, ở nhiều nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Ngoài ra, Việt Nam có một lợi thế khác là chất lượng nguồn nhân lực. Trong mắt các doanh nghiệp FDI, người lao động Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ”, ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.

Với câu chuyện cấp tín dụng cho các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, hướng đi riêng của MB đó là coi cho vay các dự án khu công nghiệp là sản phẩm ưu tiên để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các nhà đầu tư.

Theo ông Ánh, hiện MB còn tài trợ chi phí đầu tư khu công nghiệp bao gồm cả chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng cho dự án. Hiện MB áp dụng lãi suất cho vay với bất động sản khu công nghiệp thấp hơn 1% so với lãi suất cho vay bất động sản thông thường, trong khi hệ số rủi ro lại cao hơn, ở mức 200%. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có thể hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế, sản phẩm không mang tính đầu cơ như nhiều loại hình bất động sản khác nên MB vẫn nỗ lực cung cấp vốn để nhà đầu tư triển khai dự án.

Trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là Cục Phát triển doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021, Cục Phát triển doanh nghiệp đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp ở các địa phương. Trong đó, một điểm sáng là công tác chuyển đổi số. Hiện Cục Phát triển doanh nghiệp đã có công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng, từ đó hỗ trợ kiến thức, lộ trình và giải pháp công nghệ để doanh nghiệp tự triển khai. Hoạt động này đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành và đạt được nhiều kết quả tốt.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường trực 2 tổ công tác đặc biệt của Thanh tra Chính phủ, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tham mưu các cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, khó khăn.

Đến nay, 2 tổ công tác đã tiếp nhận và phối hợp xử lý kiến nghị của 25 hiệp hội liên quan đến các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; 70 vấn đề liên quan đến đầu tư công; 200 vấn đề với các dự án đầu tư kinh doanh; 37 vấn đề liên quan đến các dự án PPP.

Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn đầu tư, bà Phạm Thị Quỳnh Ngọc, Giám đốc Tư vấn pháp lý, Công ty Luật TNHH KPMG cho biết, các doanh nghiệp FDI quan tâm đến nhiều vấn đề như ngành nghề nào được kinh doanh, được hưởng các cơ chế ưu đãi gì khác biệt, nổi trội so với các quốc gia khác, thủ tục đầu tư (sau thời gian bao lâu có thể bắt đầu sản xuất)…

Để trả lời câu hỏi này, các đơn vị tư vấn phải nắm rõ được các vấn đề nhà đầu tư quan tâm và từ đó đưa được ra các tư vấn đầu tư sát với tình hình thực tế.

Đơn cử như việc hiện tại, Việt Nam không quy định về số vốn đầu tư tối thiểu, vốn góp, vốn vay với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ban quản lý khu công nghiệp hay các địa phương thì luôn quan tâm đến vấn đề này, như một số liệu để đánh giá cam kết đầu tư, hiệu quả thu hút đầu tư. Do đó, khi tư vấn cho các nhà đầu tư, KPMG thường tư vấn cho các nhà đầu tư về việc thiết kế cơ cấu vốn hợp lý để đảm bảo thuận lợi, hiệu quả trong hoạt động đầu tư.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục