Tìm giải pháp phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 29/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị "Kết quả phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới".
Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự có mặt của các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Mắc ca. Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự có mặt của các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Mắc ca.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi mắc ca liệu có phải là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân hay không? Thủ tướng đặt vấn đề vùng nào trồng cây mắc ca thuận lợi, quy hoạch vùng trồng mắc ca như thế nào, thị trường mắc ca thời gian tới sẽ như thế nào cần phải có nghiên cứu tính toán hợp lý nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường...

Sau 5 năm triển khai quy hoạch Mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây Mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Đến nay, sản phẩm Mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/ năm tới thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp...

Tuy nhiên, thông tin tại Hội thảo cho thấy, việc phát triển cây Mắc ca cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại và thách thức; công tác quản lý giống cây Mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém.

Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn; Việc tiếp cận, nắm bắt nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế cũng là một thách thức trong phát triển sản xuất.

Theo dự báo, thời gian tới cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đề tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu Mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm sau đó.

Định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây Mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Mục tiêu đặt ra là phát triển bền vững cây Mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng, tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng cây Mắc ca thông qua nghiên cứu, chọn tạo giống mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, hình thành vùng gây trồng tập trung đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, hình thành hệ thống cơ sở chế biến từng bước hiện đại, gắn với phát triển nguồn nguyên liệu, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để đạt được doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ là sợi dây liên kết giữa bốn nhà “Nhà nước – Nhà nông – Nhà đầu tư (Doanh nghiệp) – Nhà khoa học” trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, triển khai các chương trình chính sách để thúc đẩy phát triển thành ngành hàng Mắc ca.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng biểu dương Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đặc biệt là các hộ nông dân đã mang lại bước đầu thắng lợi đối với cây Mắc ca trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu ngành nông nghiệp và các nhà khoa học phải trả lời cho được làm sao để cây Mắc ca phát triển cho tương xứng với tiềm năng tại Việt Nam. Cây Mắc ca đi sau nhưng phải về trước nếu biết cách làm...

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải tập trung quy hoạch phát triển cây Mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà... Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng Mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác... Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có một nghị định về cây Mắc ca nhằm giúp việc phát triển cây mắc ca ở nước ta ngày càng hiệu quả, chất lượng, bền vững".

Được biết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy phát triển bền vững Mắc ca tại Việt Nam. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ tiếp tục hỗ trợ và hoàn thiện cơ chế cho vay theo chuỗi sản phẩm tín dụng Mắc ca đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, góp phần phát triển ngành hàng Mắc ca ở Việt Nam.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục