Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Nhiều sản phẩm của ngành nông nghiệp lâu nay bị cho là khó tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm như EU. Ông bình luận ra sao về điều này?
Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông sản của Việt Nam vào EU, trong đó thủy sản gần 1,4 tỷ USD trong tổng kim ngạch 8,6 tỷ USD, đồ gỗ mới hơn 1 tỷ trong tổng xuất khẩu toàn ngành 11 tỷ USD (năm 2019), thì rõ ràng là chưa tương xứng.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi sẽ mở cửa cho rất nhiều hàng hóa của nước ta, trong đó có nông sản. Với ngành nông nghiệp, chúng tôi ý thức hơn ai hết, EU là một thị trường bậc cao, để bán được vào đây, hàng Việt cần phải nâng tầm về chất lượng, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của họ để được giảm thuế theo lộ trình. Những con số về xuất khẩu khiêm tốn kể trên sẽ là động lực để các doanh nghiệp tìm ra lời giải cho mình nhằm có được thị phần tại thị trường trên 500 triệu dân với sức tiêu thụ rất lớn này.
Thưa ông, để tìm ra lời giải không dễ, cần có sự hỗ trợ tổng thể về định hướng để các ngành hàng, doanh nghiệp có chiến lược đúng và trúng?
Thật ra, khu vực nông nghiệp nhận được sự quan tâm lớn về chuyển đổi sản xuất, không phải bây giờ chúng ta mới đề cập đến câu chuyện này, mà từ khi bắt đầu đàm phán FTA với EU, chúng ta đã có định hướng rõ về việc tổ chức sản xuất để tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ hội nhập. Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến từng ngành hàng để có bước chuẩn bị nhất định, phổ biến quy định liên quan đến kiểm dịch động thực vật (SPS).
Văn phòng SPS đặt ngay tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi liên tục trao đổi hỏi đáp và cung cấp thông tin sớm nhất, cụ thể nhất, với mục tiêu nhắm tới là phải hài hòa các tiêu chuẩn. Đơn cử, trong ngành hiện có khoảng 1.100 tiêu chuẩn, 258 quy chuẩn. Tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn này đều phải rà soát hàng năm và cần bổ sung.
Với mỗi doanh nghiệp, điều cần thiết là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được nhiều hàng rào kỹ thuật, nếu không chuẩn hóa quy trình sản xuất, sản phẩm không đạt chất lượng thì không thể hội nhập được.
Để khai thác hiệu quả EVFTA, đâu là mũi nhọn đột phá của ngành nông nghiệp?
Nông nghiệp Việt Nam có 4 lĩnh vực chính, đó là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm sản.
Về trồng trọt, ta có sản lượng lúa gạo tới 43 triệu tấn/năm, xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn. Cây công nghiệp có cao su, hạt điều, cà phê… đều có thể khai thác xuất khẩu với giá trị hàng tỷ USD mỗi năm.
Về chăn nuôi, dù đã tăng cường đầu tư, nhưng phải thừa nhận là xuất khẩu chưa tốt, trừ mật ong, thịt gia cầm có thể khai thác nhờ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang đầu tư lớn như Liên doanh sản xuất thịt gia cầm xuất khẩu với Hungary tại Thanh Hóa, Nhà máy sữa Nutifood tại Cộng hòa Séc, Nhà máy sữa TH True milk tại Nga…
Riêng thủy sản và lâm sản thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế để khai thác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng cũng còn một số vấn đề phải sớm giải quyết như thủy sản đang có khó khăn về khắc phục thẻ vàng IUU theo khuyến nghị của EU. Lâm sản thì chúng ta cũng đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp. EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU.
EU là địa chỉ nhập khẩu thủy sản lớn, làm thế nào để sớm khắc phục IUU, chớp thời cơ tăng xuất khẩu, thưa ông?
Thời gian qua, Việt Nam tích cực khắc phục IUU theo khuyến nghị của EU nhằm thể hiện một nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường, một nền nông nghiệp bền vững. Việc tổ chức lại sản xuất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản, trên hết để thể hiện quan điểm của chúng ta là phát triển không chạy theo số lượng, Việt Nam là quốc gia tôn trọng các quy định của quốc tế.
Chúng ta hội nhập thông qua các FTA theo cách rất cầu thị, đi từ vấn đề đầu tiên là tổ chức sản xuất tốt, liên kết sản xuất chặt chẽ, đạt chuẩn và vui mừng là EVFTA cho một dư địa xuất khẩu rất tốt đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Cụ thể, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng), cho đến nhóm nông sản rất cụ thể, vốn là những đặc sản của ngành nông nghiệp như vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, vải thiều Lục Ngạn, rồi nhóm sản phẩm OCOP…
Nhưng sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn của các FTA vẫn là điểm yếu của ngành nông nghiệp?
Thật ra, ngành nông nghiệp đang xử lý câu chuyện này ngày càng hiệu quả. Phải nói là Việt Nam có quyết tâm rất cao đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, một nhu cầu đòi hỏi bắt buộc, từ sản xuất cho đến thương mại trong và ngoài biên giới. Đến nay, trồng trọt đã cấp mã số 1.170 vùng trồng, đó là cố gắng rất lớn. Riêng cá tra, các địa phương đã cấp khoảng 5.565 mã số ao. Ngoài ra, hiệp định trong lâm sản cũng là một biện pháp bắt buộc để đạt chuẩn hóa sản phẩm lâm sản khi xuất khẩu sang EU.
Việt Nam hiện có 41 địa phương đang làm nông nghiệp hữu cơ, với 118.000 ha đất hữu cơ đạt chuẩn. Về thể chế, ta đã có Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Như vậy, khung khổ pháp lý để hội nhập, gia tăng giá trị trong ngành nông nghiệp chúng ta đã có, việc còn lại là phải làm cho tốt và tốt hơn nữa.