Tìm động lực tăng trưởng kinh tế: Những níu giữ mang tên… luật định

Chính phủ kỳ vọng, các quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… sẽ thúc đẩy tăng trưởng, bởi dư địa hoạt động của doanh nghiệp sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, mọi việc chưa hẳn thông thoáng...
Các quy định lỗi thời trong kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu đang lấy đi của doanh nghiệp nhiều triệu ngày công mỗi năm. Ảnh: Đức Thanh Các quy định lỗi thời trong kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu đang lấy đi của doanh nghiệp nhiều triệu ngày công mỗi năm. Ảnh: Đức Thanh

Lỗi tại… quy định 

“Luật được ban hành để thúc đẩy, chứ đừng là cớ để đe dọa doanh nghiệp”, ông Dương Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VNet chốt lại chia sẻ rất dài tại Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức.

Cũng khó giảm tông được mong muốn này của ông Đức, khi mà hết lần này tới lần khác, những ý tưởng kinh doanh của Công ty trở nên bất khả thi ngay ở vòng… xin ý kiến bộ, ngành. 

Chuyện cũ đã vài năm trước, khi VNet xin phép tổ chức cuộc thi người đẹp trên Internet. Hồ sơ xin phép được gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận được trả lời là bộ này không quản lý nội dung thi người đẹp; đề nghị sang làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Cuối cùng, không có cơ quan nào cấp phép cho ý tưởng này, vì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói không quản lý nội dung liên quan đến Internet.

Chuyện vừa xảy ra là các ý tưởng liên quan đến sách điện tử. “Chúng tôi làm việc với các chuyên viên, họ nói không thể làm được, vì quy định không có.

Sách điện tử giờ không chỉ là các bản điện tử của sách in, mà đang thay đổi hình thức, tăng khả năng tương tác với người đọc, nếu căn cứ Luật Xuất bản hiện hành thì không thể làm, nhưng sao không đặt vấn đề sửa đổi khung khổ cũ khi mọi thứ đang thay đổi…”, ông Dương Anh Đức lý giải những bức xúc.

Câu hỏi của ông Đức không hề mới, nhưng đáng nói là đã lâu chưa có câu trả lời thực sự thỏa đáng.

Thậm chí, ngay trong những giải trình cuối cùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt bút ký Nghị quyết 19-2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, vẫn còn đề nghị không sửa quy định này, văn bản kia của một số bộ vì “đó là quy định của luật”, cho dù sự bất hợp lý hiển hiện.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chưa lần nào kìm được bức xúc khi nhắc tới cách viện cớ này của nhiều bộ, ngành.

“Doanh nghiệp kêu tốn kém với nhiều triệu ngày công, hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm khi thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, như phải kiểm tra nhà nước đối với tất cả các lô hàng nhóm 2; phải kiểm tra trước thông quan; vừa phải kiểm tra khi chứng nhận/công bố hợp quy, vừa phải kiểm tra lô hàng khi nhập khẩu...

Thủ tục kiểm tra chất lượng 2 giai đoạn, do 2 cơ quan khác nhau thực hiện... Lần nào, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đều nói ghi nhận để nghiên cứu khi sửa đổi luật, trước mắt các doanh nghiệp phải thực hiện, nhưng khi chúng tôi đề xuất phương án sửa luật, thì lại nói chưa cần”, ông Cung kể.

Làm sao để có cách làm khác?

Độ vênh giữa thực tiễn và quy định pháp lý luôn có, nhất là khi nền kinh tế số đang và sẽ mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới, mà nhiều chuyên gia đang gọi là mô hình kinh doanh phi truyền thống.

Nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khoảng cách này sẽ không còn là vấn đề nếu như tư duy của các nhà hoạch định chính sách tiệm cận xu hướng mới. 

“Đáng tiếc là, hệ thống pháp lý dường như đang ở thế ngần ngừ, không là bệ đỡ cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, nên khả năng thích ứng với nền kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam trở nên bấp bênh”, ông Lộc nhận định.

Sự ngần ngừ có thể thấy ngay trong đề xuất chưa vội sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ, cho dù nhiều vướng mắc doanh nghiệp phải gánh có nguyên do từ cách quản lý không còn phù hợp. 

Hai luật này được xây dựng cách đây hơn chục năm, khi cơ sở dữ liệu hầu như không đáng kể, không kết nối, cách quản lý theo kiểu thủ công.

Hiện nay, công nghệ quản lý đã hoàn toàn khác, điều kiện xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã tốt hơn rất nhiều. Nếu thực sự có trách nhiệm với lĩnh vực được giao, bộ này phải chủ động đề xuất thay đổi phương thức quản lý phù hợp.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dường như cũng đang ở thế ngần ngừ không kém, khi trong Thông tư 10/2018/TT-BVHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn thể dục thể hình và Fitness, có hiệu lực vào 15/4/2018, hàng loạt quy định can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiếp tục hiện hữu. 

“Năm 2010, bộ này có thông tư quy định những điều kiện kiểu như tập yoga thế nào, dạy bóng đá ra sao, hay nhập khẩu phim phải có rạp… là dễ hiểu, vì bộ, ngành nào cũng làm thế.

Nhưng hiện tại, khi quy định về điều kiện kinh doanh đã rất rõ, yêu cầu của Chính phủ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng rất rõ, vậy mà vẫn có quá nhiều quy định kiểu như trên là không thể hiểu nổi”, ông Cung nói.

Ông Cung gọi các quy định trên là sự thể hiện tư duy cũ, hạn chế sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, thậm chí phi kinh tế… 

“Sức sáng tạo của doanh nghiệp vô cùng lớn, cạnh tranh thì đòi hỏi tốc độ. Doanh nghiệp không thể tăng trưởng khi mọi sự lại đang bị đè nén bởi tư quy quản lý lỗi thời”, ông Cung nói.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục