Tìm điểm cân bằng cho VN-Index

(ĐTCK) Một tín hiệu rất đáng ngại là hiện trạng bán tháo cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, bất chấp lợi nhuận quý I/2018 tăng trưởng mạnh. 
Tìm điểm cân bằng cho VN-Index

Vào đầu tuần thứ hai của tháng 5, khi thông tin Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có nguy cơ bị truy thu 5.300 tỷ đồng tràn ngập nhiều trang báo, Dragon Capital đã lập tức liên hệ với lãnh đạo Công ty để kiểm tra tính xác thực. Nhưng không phải nhà đầu tư nào trong số hơn 2.000 người nắm giữ BSR cũng có thể hành động như vậy. 

Niềm tin bị thử thách

Thị trường khi đó xôn xao thông tin Nhà nước có thể truy thu hơn 5.300 tỷ đồng tại BSR theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, thực hiện Quyết định số 44 ngày 31/3/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, từ ngày 31/3 đến 9/4/2017, đoàn Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý tài chính doanh nghiệp cổ phần hóa; kiểm toán việc tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc định giá và xử lý tài chính doanh nghiệp cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY ACA.

Sau khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn tăng thêm 5.359 tỷ đồng, tương đương 7,94%; tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng thêm hơn 4.500 tỷ đồng, tương đương tăng 11,37%.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho biết, việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện theo các quy định về cổ phần hóa áp dụng với doanh nghiệp lớn, có giá trị doanh nghiệp từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Con số chênh lệch trên phát sinh do cách hiểu và vận dụng các quy định về định giá, về tỷ giá ở các thời điểm khác nhau.

Sau khi có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Ban chỉ đạo cổ phần hóa BSR đã cộng thêm con số trên vào giá trị doanh nghiệp BSR trước khi triển khai việc IPO ra thị trường. Bởi vậy, những ý kiến cho rằng BSR sẽ bị truy thu hơn 5.300 tỷ đồng là hiểu chưa chính xác.

Sau khi được giải thích, những quỹ đầu tư lớn như Dragon Capital đã yên tâm, nhưng ông Nguyên tỏ ra lo ngại vì không phải nhà đầu tư nào, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ đều có điều kiện xác thực thông tin như các quỹ lớn.

Trong khi những câu chuyện đang gây tranh cãi như việc truy thu tại Sabeco, Habeco khiến không ít nhà đầu tư lo lắng, cộng hưởng với xu thế giảm đang diễn ra rất mạnh trên thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư không thể không bị dao động.

Trong sóng giảm giá này, không chỉ những cổ phiếu ở mức “đắt đỏ” trước đây điều chỉnh mạnh, mà đà giảm đã lan rộng, đi sâu vào hầu hết các mã chứng khoán trên thị trường.

Những cổ phiếu “hoa hậu” như Sabeco thì khỏi phải nói, giảm hơn 100.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá cao nhất ghi nhận kể từ khi thoái vốn. Các blue-chip như PLX giảm gần 40% về 55.000 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 22,6% về 58.000 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 26%.

Bộ ba cổ phiếu dầu khí BSR, OIL, POW đấu giá hồi tháng 1 và lên sàn UPCoM hồi tháng 3 đều rớt giá sâu so với mức giá đạt được khi mới lên sàn và so với cả mức giá trúng IPO bình quân.

Thậm chí, những cổ phiếu từng tăng mạnh nhờ sóng thoái vốn vào cuối năm ngoái như VCG (đạt đỉnh 28.000 đồng/cổ phiếu) còn rớt sâu về giá 15.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giá hồi cuối năm 2016, khi tâm lý thị trường còn khá bi quan.

Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I rất tốt và nền kinh tế không có gì đột biến theo hướng bất lợi, đà giảm sâu của thị trường chứng khoán khiến niềm tin của nhà đầu tư bị thử thách. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn nói rằng, những vụ việc đang được thị trường quan tâm và tranh cãi như Sabeco, Habeco rất cần được xử lý rốt ráo và có thông tin rộng rãi với nhà đầu tư.

Động thái mới nhất về những vụ việc này là ngày 2/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Sabeco và Habeco và yêu cầu Kiểm toán Nhà nước rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc Sabeco, Habeco nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco; quyền, trách nhiệm của các cổ đông tại Sabeco, Habeco khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước theo luật định. Trên cơ sở đó, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan và doanh nghiệp thực hiện theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ Tài chính, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Công Thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/5.

Giới đầu tư trong và ngoài nước đang dõi theo việc xử lý các khoản tiền nghìn tỷ ở 2 công ty bia lớn nhất cả nước. Kết quả đến đâu, chí ít cũng cần được đính kèm theo những căn cứ, cơ sở để nhà quản lý ra quyết định, từ đó thị trường mới nhận diện và nắm bắt được việc thượng tôn pháp luật đang diễn biến ra sao, từ đó áp lực với niềm tin sẽ phần nào được giải tỏa.

E ngại “úp sọt”

Tính đến phiên cuối tuần qua, phần lớn mã chứng khoán thuộc Top 30 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường đều đã có biểu đồ tăng trưởng âm trong vòng 1 tháng gần đây (xem biểu đồ). Theo quan sát, những phiên giảm khối lượng khớp lệnh luôn lớn hơn những phiên tăng và đây là biểu hiện tiêu cực của thị trường.

Tìm điểm cân bằng cho VN-Index ảnh 1

Một tín hiệu rất đáng ngại nữa là hiện trạng bán tháo cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, bất chấp lợi nhuận quý I/2018 tăng trưởng mạnh. Điều này cho thấy, một lượng lớn nhà đầu tư đang quyết liệt bán chốt lời.

Trên nhiều diễn đàn, các thành viên thậm chí còn dự đoán VN-Index sẽ tiếp tục giảm thêm 100 điểm nữa, về mức trên 900 điểm. Đà sụt giảm trên diện rộng, diễn ra ở hầu hết các cổ phiếu có cơ bản tốt, chứ không khoanh vùng ở nhóm “đắt đỏ”, phản ánh tâm lý rất bi quan của phần lớn nhà đầu tư trên thị trường và có thể ghi nhận phần lớn sự thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư đã liên tưởng tới kịch bản tay to “úp sọt” đang xảy ra.

Triển vọng chưa rõ ràng về  bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn

“Lời ăn, lỗ chịu” là quy luật nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phải chấp nhận và khi thị giá chứng khoán giảm mạnh sẽ là cơ hội để chọn mua được cổ phiếu tốt với giá hợp lý.

Ở góc độ vĩ mô, diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán cũng sẽ tạo ra những hệ lụy cần lưu ý sớm. Mức tăng 44% của VN-Index trong năm 2017 đã được dẫn chứng cho một sự hấp dẫn của thị trường vốn Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Song phong độ thất thường và mức sụt giảm lớn tương ứng có thể là ví dụ rất xấu cho các đợt tiếp thị vốn với các nhà đầu tư khu vực và thế giới. Vào cuối năm 2017, vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam lên tới 10,1 tỷ USD (bao gồm cả khoản 4,8 tỷ USD của thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco), tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2016.

Thị trường tích cực đã kích thích một làn sóng niêm yết mới, ở cả các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa và các công ty tư nhân, đã tạo ra những thương vụ bán vốn kỷ lục như Vinamilk, Sabeco…

Rất có thể thành tích này sẽ không lặp lại, nếu độ rộng và phong độ của thị trường quá thất thường hay những câu chuyện thử thách niềm tin của nhà đầu tư tái diễn và không được xử lý rốt ráo. Lưu ý là còn gần 130 doanh nghiệp nhà nước đang chờ thoái vốn cho tới năm 2020, với con số đóng góp cho ngân sách ước lên tới 13 tỷ USD.

Trong vòng 2 năm tới, những cái tên "khủng" sẽ cổ phần hóa như Tổng công ty Thuốc là Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Bến Thành Corp, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Trong hàng trăm doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang triển khai thoái vốn, cũng có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, vị thế đầu ngành.

Các ngân hàng, cả tư nhân lẫn gốc quốc doanh, đều đang cần tăng vốn để gia tăng năng lực tài chính và đảm bảo các chỉ số cho việc tăng mạnh cung tín dụng cho nền kinh tế.

Những gì chúng ta đã quan sát gần đây cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng, không nghiêng về một thái cực quá nóng hoặc quá lạnh. Bởi vậy, thị trường chứng khoán nên kỳ vọng ở việc sớm tìm được điểm cân bằng để hướng đến những mục tiêu, những “trận đánh lớn” theo những chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đã được đề ra.        

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục