Kỳ vọng vào kết quả kinh doanh
Quyết định mua cổ phiếu KBC và KDH vào phiên thị trường lao dốc ngày 3/4/2025, anh Trần Xuân Nam, nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán MB chia sẻ, giá trong phiên giao dịch sau đó tiếp tục giảm mạnh, nhưng anh vẫn vững tâm nắm giữ, thậm chí xem xét mua thêm, vì kỳ vọng doanh nghiệp sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm nay.
Thông tin mà anh Nam tìm hiểu được là lợi nhuận quý I/2025 của KBC ước tính tăng 528% so với quý I/2024, với đóng góp từ 2 mảng hoạt động chính là khu công nghiệp và khu đô thị, nhà ở xã hội. Trong đó, KBC có thể bàn giao 30 ha đất tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh cho Goertek.
Với cổ phiếu KDH, nhà đầu tư này kỳ vọng, lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý I/2025 có thể tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, khi doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục bàn giao các sản phẩm còn lại của dự án The Privia trong các tháng đầu năm, khoảng 400 căn.
Chứng khoán MB dự báo, lợi nhuận toàn thị trường trong quý I/2025 có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17%, được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất, tiêu dùng tiếp tục phục hồi. Trong đó, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% nhờ tín dụng tăng tốc, bất động sản tăng 719%, khu công nghiệp tăng 61%, năng lượng tăng 41%.
Năm 2025, Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội khi nền kinh tế có triển vọng tích cực và thị trường tiêu dùng dần phục hồi. Tuy nhiên, trước những tác động từ bất ổn địa chính trị và các yếu tố vĩ mô khác trên thế giới, bao gồm chính sách thuế quan mới của Mỹ, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% đang gặp thách thức. Một số ngành, lĩnh vực đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm.
Chẳng hạn, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có dấu hiệu bão hòa ở một số phân khúc, trong khi các thiết bị mới chưa có những đột phá đáng kể về công nghệ và tính năng để thúc đẩy nhu cầu nâng cấp. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng trong đầu tư công nghệ khi kinh tế toàn cầu bấp bênh cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường ICT.
Mặc dù vậy, FPT Retail (mã FRT) vẫn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng dương cho chuỗi FPT Shop và chuỗi FPT Long Châu trong năm 2025.
“Trong quý I/2025, FPT Retail ghi nhận tăng trưởng về doanh thu và cải thiện mạnh mẽ về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào việc mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, tối ưu chi phí vận hành và gia tăng hiệu quả kinh doanh”, lãnh đạo FPT Retail chia sẻ.
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, lợi nhuận các nhóm ngành cũng như trong cùng một ngành được các công ty chứng khoán dự báo sẽ có sự phân hóa rõ nét. Đơn cử, trong khối bất động sản khu công nghiệp, KBC và SZC có thể ghi nhận lợi nhuận cao nhờ bàn giao đất thuê cho khách hàng lớn (KBC bàn giao 30 ha đất cho Goertek, SZC bàn giao 18 ha đất cho Tripod Việt Nam). Trong khi đó, lợi nhuận của IDC có thể suy giảm do không còn yếu tố đột biến từ chuyển nhượng đất. Với BCM, giai đoạn đầu năm thường ghi nhận lợi nhuận thấp.
Đánh giá yếu tố thuế quan
Thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam khiến nhiều cổ phiếu lao dốc trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, bất kể yếu tố nội tại hay ngành nghề của doanh nghiệp.
Theo phân tích của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (136,6 tỷ USD trong năm 2024) và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP. Với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 20 - 30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng thị trường của các doanh nghiệp.
Ở chiều nhập khẩu từ Mỹ, Việt Nam có thể buộc phải tăng nhập khẩu để giảm thặng dư thương mại (123,5 tỷ USD năm 2024), nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất.
Mỹ áp thuế nhập khẩu cao có thể khiến các doanh nghiệp FDI (đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam. Một số công ty có thể chuyển dịch sản xuất sang các nước ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan như Indonesia hoặc Ấn Độ, dẫn đến FDI đăng ký và giải ngân giảm trong ngắn hạn (từ mức 25,35 tỷ USD giải ngân năm 2024). Nếu Việt Nam tận dụng được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc (vốn cũng chịu thuế cao từ Mỹ), thì FDI có thể phục hồi.