Trước đó, ngày 12/12, cơ quan quản lý Trung Quốc không cho phép Công ty Bảo hiểm Evergrande Life đầu tư vào cổ phiếu, khiến hàng loạt hãng bảo hiểm lớn kéo thị trường này đi xuống.
Quyết định của Fed khiến chi phí vay USD đắt đỏ hơn đối với các công ty châu Á, đồng thời khiến dòng vốn rút khỏi thị trường này để trở về Mỹ là tin xấu tiếp theo. Tuần qua, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,4%, chỉ số Hangseng của thị trường Hồng Kông giảm 3,08%. Đồng đô-la Hồng Kông có liên hệ chặt chẽ với USD, nên khi lãi suất đồng tiền này tăng sẽ khiến các khoản vay thế chấp mua nhà trở nên đắt đỏ và giới đầu tư lo sợ thị trường nhà ở Hồng Kông sẽ đi vào suy thoái.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tại nhiều quốc gia đồng loạt tăng theo sau quyết định của Fed. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm tăng lên 0,1%/năm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2016, khi Ngân hàng Trung ương Nhật tiến hành chính sách lãi suất âm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,58%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Điều này khiến giới đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng, môi giới chứng khoán và bảo hiểm.
Lôgic phía sau quyết định này là lãi suất tăng cho thấy, kinh tế đang tốt lên, nhu cầu vay và khả năng trả nợ của người vay tốt lên, khiến chất lượng tài sản của các nhà băng cải thiện. Các nhà băng cũng kiếm được nhiều tiền hơn từ chênh lệch giữa việc trả lãi cho các khoản gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, so với số tiền kiếm được từ lãi trái phiếu chính phủ và lãi thu được từ cho vay.
Đối với các hãng môi giới lớn, kinh tế tích cực đồng nghĩa nhu cầu đầu tư lớn. Các công ty bảo hiểm cũng mong lãi suất tăng, vì họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu các khoản đầu tư của họ vào trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ có lợi suất cao hơn. Bên cạnh đó, các công ty này cũng xác định giá sản phẩm dựa vào lãi suất trung bình trong dài hạn, lãi suất tăng nghĩa là giá bán cũng tăng.
Kể từ khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng, nhóm cổ phiếu tài chính (XLF) đã tăng 21,5%, chỉ đứng sau nhóm năng lượng và khai mỏ (XME) với mức tăng 29,6%. Chính sách tài khóa của Tổng thống mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng đi kèm với tăng giá và lãi suất, các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ như tài chính, hàng hóa lâu bền, năng lượng, khai mỏ sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
USD tăng giá cũng có tác động tích cực lên một số thị trường phát triển như Nhật và Đức, do hàng hóa xuất khẩu của các nước này trở nên cạnh tranh hơn. Tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,46% để tiếp tục xu hướng tăng mạnh hướng tới mốc 20.000 điểm, trong khi chỉ số DAX cũng tăng 1,45% nhờ sự dẫn dắt của các doanh nghiệp xuất khẩu và tài chính.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua vẫn nóng với các cổ phiếu mới lên sàn như SAB, BHN và ACV. Cổ phiếu thép vẫn có sức hút tốt, khi kết quả kinh doanh cả năm được kỳ vọng tích cực, cộng thêm sự kiện HSG được thêm vào danh mục của Market Vectors Vietnam ETF. Ngược lại, các gương mặt cũ như VNM, VIC, VCB… lại thiếu sức hút và giao dịch yếu.
Trên bình diện chung, thị trường đang gặp khá nhiều khó khăn, vì đa số cổ phiếu đã đi vào xu hướng giảm giá. Nói cách khác, đa phần nhà đầu tư đang mất tiền. Khi dòng tiền đang hào hứng với cuộc chơi của cổ phiếu OTC và những mã mới lên sàn, chúng tôi cho rằng, triển vọng thị trường niêm yết trong tương lai gần sẽ không sáng sủa. Tuy nhiên, thị trường luôn có lối đi riêng mà ít thành viên nào có thể nhìn ra. Do đó, nên lắng nghe thị trường và tìm cơ hội ở những cổ phiếu tốt đang giao dịch trong tâm lý bi quan để tích lũy. Bên cạnh đó, đầu cơ ngắn hạn cũng là một phần không thể thiếu khi xu hướng thị trường chưa rõ ràng.