Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi cách đưa vốn ra nền kinh tế, nhưng không đạt kế hoạch, vì vậy, cần phải tìm cách đẩy vốn ra theo hướng khác.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất “nóng ruột” khi tăng trưởng tín dụng năm nay quá thấp, 11 tháng đầu năm mới đạt khoảng 65% kế hoạch. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt các giải pháp phù hợp, hiệu quả, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước và định hướng điều hành cả năm 2023 (tăng 14-15%).
Nguyên nhân đã được các chuyên gia kinh tế phân tích, mổ xẻ rất nhiều, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở chỗ, muốn tiếp cận được vốn, khách hàng vay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Chứng minh tình hình tài chính lành mạnh thì doanh nghiệp làm được vì hoạt động sản xuất, kinh doanh có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, kế toán đầy đủ mọi khoản phải thu, phải trả, hàng tồn kho...
Nhưng doanh nghiệp làm sao chứng minh được sự “minh bạch”, vì muốn chứng minh sự minh bạch, chỉ có cách duy nhất là thuê công ty kiểm toán. Chắc có khoảng nửa triệu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng có mấy công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán để khẳng định hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp minh bạch. Tôi cho rằng, từ “minh bạch” là cái khóa đóng cửa nhà băng với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đó là vay vốn thương mại thông thường, nhưng vì sao cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng gần như bị đóng băng?
Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43/2022/QH15) quyết định dành 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực, nhưng dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 1.408 tỷ đồng, tức là chỉ đạt khoảng 3,5%.
Nguyên nhân là doanh nghiệp đủ điều kiện, nhưng không thụ hưởng chính sách do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra; cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính, lịch sử tín dụng tốt, được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, nhưng quá hạn, nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định...
Có nguyên nhân nào do một số quy định của chính sách chưa hợp lý không, thưa ông?
Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy định, khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động tín dụng ở đây tức là lành mạnh và minh bạch theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 06/2023/TT-NHNN.
Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định, chỉ hỗ trợ 2% lãi suất cho khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Quy định này là đánh đố người vay, vì khách hàng dù có khả năng trả nợ, nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi (thường thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh).
Trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất, nhưng sản xuất - kinh doanh suy giảm, tức là chưa có khả năng phục hồi khiến ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại, nên khó đánh giá việc đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.
Nhưng thưa ông, trên các phương tiện thông tin báo chí, lãnh đạo nhiều ngân hàng tuyên bố “đồng hành cùng doanh nghiệp”?
Tôi từng làm lãnh đạo ngân hàng thương mại, nên có thể khẳng định, không nhà băng nào đi làm từ thiện cho khách hàng cả, mà hoạt động phải tuân thủ quy định. Nếu doanh nghiệp chưa kiểm toán để chứng minh sự minh bạch thì không lãnh đạo ngân hàng nào dám cho vay vì rủi ro rất cao. Chẳng may rủi ro xảy ra, thì lãnh đạo ngân hàng làm sao thoát vòng lao lý với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả.
Nếu bây giờ còn làm lãnh đạo ngân hàng thương mại, tôi cũng không dám cho vay hỗ trợ lãi suất, bởi không may khách hàng không phục hồi được thì sẽ rất phiền phức với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và với cả cấp trên.
Theo ông, có cách nào đẩy vốn ra nền kinh tế?
Có nhiều cách. Cả nước có khoảng 25-26 quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quỹ đã tồn tại rất nhiều năm, có quỹ mới thành lập, nhưng tất cả giống nhau ở chỗ là “có cũng như không”, vì không thể bảo lãnh được tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại sao Quỹ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... hoạt động rất hiệu quả, là chỗ dựa về vốn khi doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, còn Việt Nam thì ngược lại? Vì cơ chế bảo lãnh tín dụng của Việt Nam rất phiền hà, nhiêu khê, doanh nghiệp muốn bảo lãnh phải có tài sản thế chấp. Nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp thì cần gì phải bảo lãnh để mất thêm hồ sơ, giấy tờ và phí bảo lãnh.
Nguyên nhân nữa là các quỹ bảo lãnh có vốn rất ít, nên có muốn cũng không làm được gì nhiều. Vì thế, giải pháp là dành khoảng 20.000 tỷ đồng trong số 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cấp cho quỹ bảo lãnh và thay đổi cơ bản hoạt động bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vẫn còn trên dưới 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất nữa, thưa ông?
Cả nước hiện có rất nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã... nằm rải rác ở các bộ, ngành và đều giống nhau ở chỗ hoạt động rất kém hiệu quả. Giải pháp là gom các quỹ này lại, thành lập một quỹ duy nhất với hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh, sử dụng một phần trong số 40.000 tỷ đồng cấp vốn cho quỹ để thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.
Cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung, dài hạn rất hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì khi đi thuê tài chính, khách hàng không phải thế chấp tài sản; được thuê tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất… Doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng để mua dây chuyền, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải..., công ty cho thuê tài chính chính là cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Nhưng đến nay, dư nợ cho thuê tài chính chỉ vào khoảng 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, một tỷ lệ thấp đến không tưởng. Giải pháp là sử dụng một phần trong số 40.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công ty cho thuê tài chính.