TikTok đề nghị tòa án Mỹ chặn lệnh cấm của Tổng thống Trump

0:00 / 0:00
0:00
Theo TikTok, nếu lệnh cấm trên không bị chặn lại, hàng trăm triệu người tại Mỹ chưa tải TikTok sẽ buộc phải ở ngoài cộng đồng trực tuyến rộng lớn và đa dạng này.
Biểu tượng TikTok bên ngoài văn phòng tại thành phố Culver, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN). Biểu tượng TikTok bên ngoài văn phòng tại thành phố Culver, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN).

Ngày 23/9, TikTok đã đệ đơn đề nghị lên một tòa án liên bang ở Mỹ, hối thúc một phán quyết có thể ngăn chặn lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám thế giới này.

Theo lệnh cấm của Tổng thống Trump, từ ngày 20/9 vừa qua, hai công ty Apple Inc và Google sẽ phải gỡ bỏ TikTok khỏi kho ứng dụng tại Mỹ.

Giới chức Mỹ luôn lo ngại về nguy cơ dữ liệu cá nhân của khoảng 100 triệu người sử dụng ứng dụng TikTok tại Mỹ đã được chuyển cho Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía TikTok lại cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump không phải vì quan tâm chính đáng tới an ninh quốc gia.

Đơn khiếu nại của TikTok nêu rõ: "Trong khi các tuyên bố về TikTok của Tổng thống Trump và giới chức các cơ quan khác trong nhiều tháng qua rất khó hiểu và mâu thuẫn lẫn nhau, các lệnh cấm không xuất phát từ mối quan tâm thực sự đối với an ninh quốc gia, mà là vì những cân nhắc tới yếu tố chính trị liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới."

Theo TikTok, nếu lệnh cấm trên không bị chặn lại, "hàng trăm triệu người tại Mỹ chưa tải TikTok sẽ buộc phải ở ngoài cộng đồng trực tuyến rộng lớn và đa dạng này - từ thời điểm 6 tuần trước cuộc bầu cử quốc gia."

Các luật sư dự kiến sẽ tranh luận về đề nghị của TikTok trong ngày 24/9, sau đó thẩm phán sẽ đưa ra quyết định xem có nên bảo toàn sắc lệnh của Tổng thống Trump cho đến khi vụ kiện về lệnh cấm được giải quyết hay không.

Trước đó, ngày 19/9, một thẩm phán tòa án liên bang ở thành phố San Francisco đã ban hành lệnh cấm sơ bộ, nhằm ngăn chặn một lệnh tương tự của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng WeChat của công ty Tencent Holdings.

Thỏa thuận tái cơ cấu quyền sở hữu ứng dụng TikTok hiện đang gây nhiều tranh cãi khi các bên liên quan đưa ra những thông tin trái ngược nhau.

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi thỏa thuận cho phép tập đoàn ByteDance của Trung Quốc - công ty mẹ của TikTok - giữ lại các quyền kiểm soát đối với ứng dụng này.

Trong khi đó, ngày 21/9, ByteDance tuyên bố họ sẽ nắm giữ 80% cổ phần của TikTok Global - một công ty mới được thành lập của Mỹ và sẽ sở hữu hầu hết các hoạt động của ứng dụng TikTok trên toàn thế giới.

ByteDance nhấn mạnh TikTok Global sẽ trở thành công ty con của ByteDance; Oracle Corp và Walmart Inc đã đồng ý nắm giữ lần lượt 12,5% và 7,5% cổ phần trong TikTok Global.

Về phần mình, tuyên bố ngày 21/9 của hãng công nghệ Oracle lại nêu rõ rằng quyền sở hữu của ByteDance đối với TikTok sẽ được phân bổ cho các nhà đầu tư của ByteDance, và tập đoàn ByteDance sẽ không có cổ phần trong TikTok Global.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục