Báo cáo tổng hợp từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, hai tháng sau bán đại trà tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 RON 92 đạt gần 42% so với mức 58% của xăng RON 95 trên thị trường. So với năm 2017, mức tiêu thụ xăng E5 tăng 8-9% nhưng chưa đạt mong muốn.
Số liệu tại một số doanh nghiệp đầu mối cũng cho thấy tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 tăng, số khác lại đang chững hoặc giảm so với tháng đầu tiên bán đại trà từ đầu năm 2018.
Lãnh đạo Petrolimex cũng thừa nhận, sản lượng tiêu thụ E5 RON 92 trong hai tháng sau triển khai bán rộng rãi giảm so với trước đó, đạt hơn 47%. Hay tại PVOil, mức tiêu thụ 2 tháng là 51,37% trong khi thống kê một tháng trước đó trên 60%.
Sức tiêu thụ xăng E5 chưa như kỳ vọng khiến nhà điều hành, doanh nghiệp sốt ruột, muốn tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này.
Trong số nhiều đề xuất đưa ra nhằm kích cầu xăng E5, ý kiến “nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học trên thị trường là E5 RON 92 và E5 RON 95” của đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.
Cách đây hai tháng cũng chính doanh nghiệp này đưa ra đề xuất cho phép bán trở lại xăng khoáng RON 92 sau một tháng thay thế mặt hàng này bằng xăng sinh học. Hai lần đề nghị chính sách liên quan tới phát triển nhiên liệu sinh học doanh nghiệp đưa ra ý kiến hoàn toàn trái ngược.
Ở lần gợi ý chính sách trước, Saigon Petro dẫn số liệu khảo sát tiêu thụ xăng E5 RON 92 chiếm chưa tới 30% tổng sản lượng xăng tiêu thụ, còn lại hơn 70% là xăng RON 95, trong khi xăng RON 92 trước đây trên 65%.
Tỷ lệ này còn thấp hơn tại các doanh nghiệp không có hệ thống phối trộn xăng E5. Với tỷ lệ này cộng với mức chênh giá giữa xăng E5 RON 92 và RON 95 là 1.600 đồng, doanh nghiệp tính toán mỗi tháng xã hội lãng phí khoảng 400 tỷ đồng.
Lần này, nếu kiến nghị "khai tử xăng khoáng RON 95" được chấp nhận đồng nghĩa thị trường sẽ chỉ còn duy nhất lựa chọn là dùng xăng sinh học, thay vì hai chủng loại mặt hàng xăng khoáng và sinh học.
Theo lộ trình chuyển đổi nguyên liệu sinh học được Chính phủ thông qua, Việt Nam sẽ tiến tới dần thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu chuyển từ bây giờ sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn.
Khó khăn được ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) nêu, trước hết là nguồn lực sản xuất nguyên liệu ethanol để pha chế xăng sinh học.
Trong số 3 doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học thì hai nhà máy là Dung Quất và Bình Phước (thuộc PetroVietnam) nằm trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể ngày vận hành trở lại.
Hiện Công ty TNHH Tùng Lâm là đơn vị trong nước duy nhất cung cấp ethanol để pha chế, làm xăng E5 RON 92. Khi thị trường có thêm loại xăng sinh học E5 RON 95, nguồn cung nguyên liệu ethanol khó cung ứng đủ.
Chưa kể, giá ethanol tăng cao vừa qua đang khiến doanh nghiệp đầu mối xăng dầu gặp khó khăn, lo lắng xăng E5 sẽ tăng giá. Nếu nửa đầu năm 2017, giá ethanol dao động trong khoảng 13.700-13.800 đồng một lít thì từ tháng 10/2017 đã liên tục tăng, vượt qua mốc 14.200 đồng một lít. Tới kỳ điều chỉnh 23/4, giá ethanol đã tăng tiếp thêm gần 300 đồng, lên mức 14.488,33 đồng một lít (chưa tính thuế VAT).
Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 trong thời gian hai tháng với tỷ trọng 42% tổng lượng tiêu thụ xăng, thấp hơn mức áp đảo 58% của xăng RON95 cho thấy mặt hàng này chưa đạt được sự tin cậy của người tiêu dùng.
Vì thế thay vì đưa ra kiến nghị xoá cái này, bỏ cái kia, nhà quản lý cần tập trung giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn, tin dùng hơn xăng sinh học.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi (Đại học Nông lâm TP HCM) bày tỏ, ngay tại các nước đã thành công trong chuyển đổi xăng sinh học vẫn sử dụng song song hai loại xăng để người tiêu dùng lựa chọn.
"Muốn dân tin doanh nghiệp, nhà quản lý phải chứng minh cho họ thấy chất lượng sản phẩm, bằng các luận cứ khoa học, thực tế ... chứ không thể bằng những đề xuất, giải pháp hành chính, ép buộc", ông nói và nhấn mạnh đề xuất khai tử xăng RON 95 là không công bằng nếu thị trường thiếu cạnh tranh.