Tiêu chí và kết quả Cuộc bình chọn BCTN năm 2017

(ĐTCK) Năm 2017 là năm đầu tiên báo cáo thường niên (BCTN) của các doanh nghiệp được lập theo Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, mặc dù Thông tư này có hiệu lực từ 1/1/2016.
Chủ tịch Hội đồng bình chọn 2017 Lê Hải Trà thảo luận với các chuyên gia trong vòng chấm chung khảo Chủ tịch Hội đồng bình chọn 2017 Lê Hải Trà thảo luận với các chuyên gia trong vòng chấm chung khảo

Tiêu chí bình chọn

Tất cả các BCTN đủ điều kiện tham gia bình chọn sẽ trải qua 2 vòng chấm, trong đó vòng sơ khảo do hai Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Hà Nội trực tiếp chấm điểm. Trong vòng chấm này, 2 Sở áp dụng bộ lọc doanh nghiệp bằng các tiêu chí trọng yếu (xem bảng).

Tiêu chí và kết quả Cuộc bình chọn BCTN năm 2017 ảnh 1

 Trước khi vào vòng chung khảo, BCTN của các doanh nghiệp sẽ được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC.

Đây là điểm mới nổi bật nhất của Cuộc bình chọn năm nay nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn. BCTN được chọn vào vòng chung khảo, nếu nội dung báo cáo thể hiện đầy đủ các nội dung trọng yếu, có thực hiện phân tích chuyên sâu, so sánh, tổng điểm phải đạt điểm chuẩn do Ban Tổ chức đề ra.

Vào vòng chung khảo, BCTN của các doanh nghiệp sẽ được chấm bởi Hội đồng bình chọn, gồm các nhà quản lý và các chuyên gia chuyên ngành. Năm nay, Hội đồng bình chọn được mở rộng, tăng lên 9 thành viên, với sự tham gia của 2 thành viên mới là đại diện của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh các thành viên thường niên.

Về cơ cấu điểm, như năm trước, điểm chấm vòng sơ khảo duy trì tỷ lệ 20% và chung khảo chiếm 80% tổng điểm mỗi báo cáo. Ở vòng chung khảo, cơ cấu điểm như sau: 75 điểm cho phần đánh giá nội dung và 25 điểm cho hình thức trình bày. Trong đó, phần nội dung liên quan đến quản trị công ty chiếm cao nhất, 36 điểm; phần nội dung liên quan đến đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh và tài chính 33 điểm; phần liên quan đến hình thức trình bày và thông tin chung 31 điểm.

Nhóm chấm phát triển bền vững trình bày đề xuất trao giải tại phiên làm việc cuối ngày của Hội đồng 

Ngoài những tiêu chí cơ bản trên, Cuộc bình chọn năm 2017 xét cộng điểm thưởng cho các BCTN có báo cáo tài chính được lập theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và cho BCTN có bản tiếng Anh, khi xét điểm vào vòng chung khảo (tối đa 5 điểm cho mỗi nội dung). Việc xét cho điểm thưởng ở những nội dung này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lập báo cáo theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong phần chấm chung khảo, Hội đồng bình chọn sẽ có nhóm chấm chuyên biệt về nội dung quản trị công ty. BCTN được chọn để trao giải BCTN có nội dung quản trị công ty tốt nhất phải là báo cáo có điểm nội dung về quản trị công ty cao nhất và các nội dung trọng yếu về quản trị công ty phải đạt trên 50% so với mức điểm chuẩn (36 điểm).

Hội đồng bình chọn

Hội đồng bình chọn năm 2017 gồm 9 thành viên:

 Các thành viên Hội đồng đã làm việc 2 ngày liên tục tại HOSE để đánh giá báo cáo thường niên 2017 

-Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng;

-Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Thành viên;

-Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - Thành viên;

-Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - Thành viên;

-PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - Thành viên;

-Th.S Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban thường trực, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Thành viên;

-GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP. HCM - Thành viên;

-Bà Nguyễn Nguyệt Anh, đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - Thành viên;

-Nhà báo Phạm Oanh, Trưởng Ban Chứng khoán, Báo Đầu tư - Thành viên.

Nhóm đánh giá chuyên môn về Báo cáo phát triển bền vững:

Bao gồm 3 thành viên là các chuyên gia đến từ Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA):

-Ông Nguyễn Viết Thịnh, Hội viên ACCA - Trưởng nhóm;

-Ông Tô Vĩ Hùng, Hội viên ACCA, Trưởng phòng Kế toán, Rosneff Việt Nam - Thành viên;

-Ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia năng lượng và phát triển bền vững, Tập đoàn IKEA, Khu vực Đông NamÁ - Thành viên.

Kết quả bình chọn

Kết quả bình chọn BCTN tốt nhất:

Trong tổng số 638 báo cáo trong diện được soát xét, Hội đồng bình chọn đã chọn 125 BCTN vào vòng chung khảo, chấm điểm chi tiết cả về nội dung lẫn hình thức. Kết quả, có 50 báo cáo tốt nhất, có số điểm cao nhất, được chọn để trao giải theo cơ cấu (xem bảng) như sau:

-Top 10 (10 BCTN có điểm cao nhất);

-Top 30 (20 BCTN có số điểm cao tiếp theo Top 10);

-Top 50 (20 BCTN còn lại trong nhóm 50 BCTN có số điểm cao nhất).

Kết quả bình chọn BCTN có nội dung quản trị công ty tốt nhất:

Hội đồng bình chọn đã đánh giá và chọn ra 3 BCTN có nội dung quản trị công ty tốt nhất để trao giải, bao gồm:

-Giải Nhất: CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM)

-Giải Nhì: CTCP Tập đoàn PAN (PAN)

-Giải Ba: CTCP Traphaco (TRA)

Kết quả bình chọn Báo cáo phát triển bền vững:

Một trong những điểm nổi bật trong Cuộc bình chọn năm nay là số lượng BCTN có nội dung phát triển bền vững tăng vọt, 45% báo cáo được chấm có nội dung này, tăng gấp đôi so với năm 2015. Nhóm đánh giá chuyên môn về báo cáo phát triển bền vững đã đánh giá và chấm điểm chi tiết từng báo cáo. Kết quả, có 6 báo cáo tốt nhất được trao giải năm nay, gồm:

-Giải Nhất: CTCP Sữa Việt Nam (VNM)

-Giải Nhì: CTCP Dược Hậu Giang (DHG)

-3 Giải khuyến khích cho 3 hạng mục khác nhau, gồm:

- Giải Tính đầy đủ: CTCP Traphaco (TRA)

- Giải Độ tin cậy: CTCP Bảo Việt (BVH)

- Giải Trình bày: CTCP FPT (FPT)

Ngoài ra, căn cứ trên đánh giá mức độ tiến bộ và sự thể hiện ấn tượng, Hội đồng bình chọn đã thống nhất trao giải Báo cáo phát triển bền vững có sự tiến bộ vượt trội cho CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT). 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục