Tại Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất một số nội dung bổ sung, sửa đổi quy chuẩn 09:2013 về sử dụng năng lượng hiệu quả do Bộ Xây dựng và IFC phối hợp tổ chức, TS Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, để đánh giá thực tiễn áp dụng quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với IFC khảo sát thực tế.
Kết quả điều tra, khảo sát 3 miền cho thấy số lượng công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn chỉ chiếm khoảng 10% tổng số công trình tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.
Cụ thể, năm 2015, tại Hà Nội có 82 trong số 257 công trình có diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên. Tại TP. HCM, con số này là 49 công trình trong số 87 công trình và tại Đà Nẵng là 83 công trình trong số 749 công trình.
Sau 3 năm áp dụng, phần lớn các chủ đầu tư thiếu thông tin và chưa quan tâm đến hiệu quả năng lượng thông qua giải pháp thiết kế xây dựng.
Các cơ quan quản lý có thẩm quyền thẩm định thiết kế nghiệm thu công trình xây dựng mới chỉ quan tâm công trình đảm bảo đúng quy hoạch, kiến trúc, có đảm bảo an toàn chịu lực, an toàn môi trường, an toàn cháy nổ, chưa quan tâm đến tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng.
Mặc dù chi phí đầu tư tăng thêm khi “xanh hóa” khiến chủ đầu tư phải chi ra khoảng 2 - 5% chi phí xây dựng, nhưng khả năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 60%, và chỉ mất từ 3 - 6 năm là chủ đầu tư có thể hoàn vốn.
“Qua phỏng vấn với các chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, chúng tôi thấy gần như 100% áp dụng sai các quy chuẩn tiết kiệm năng lượng, có những công trình tuổi thọ là 50 - 100 năm nhưng vẫn áp dụng tiêu chuẩn 20 năm - mức của công trình tạm”, TS Nguyễn Trung Hòa cho biết.
TS Nguyễn Trung Hòa chia sẻ rằng, quá trình điều tra đã ghi nhận có bản thiết kế nhà máy - công trình công nghiệp nhưng lại áp dụng tiêu chuẩn của công trình xây dựng.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, môi trường đã đóng góp ý kiến, trao đổi thảo luận về một số nội dung của tiêu chuẩn này để hướng tới việc sửa đổi, bổ sung.
Thực tế áp dụng cho thấy, bên cạnh những khó khăn và vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn tiết kiệm năng lượng, rất nhiều đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh không biết đến quy định này, các nhà tư vấn thiết kế cũng không vận dụng hoặc không biết quy chuẩn này.
Hiện trên thị trường đã có một số chủ đầu tư quan tâm đến yếu tố tiết kiệm năng lượng như Capital House hay Hudland. Tuy nhiên, việc đội chi phí luôn là rào cản lớn.
Ông Poul E. Kristensen, Cố vấn kỹ thuật của IFC cho biết tại Đan Mạch, những thay đổi nhỏ trong quy chuẩn xây dựng có thể mang lại lợi ích lớn. Nhu cầu sử dụng năng lượng ở các tòa nhà tại Đan Mạch đã giảm tới 80% so với năm 1961 khi việc tiết kiệm năng lượng bắt đầu được đặt ra.
Mặc dù chi phí đầu tư tăng thêm khi “xanh hóa” khiến chủ đầu tư phải chi ra khoảng 2 - 5% chi phí xây dựng, nhưng khả năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 – 60%, và chỉ mất từ 3 - 6 năm là chủ đầu tư có thể hoàn vốn.
Chính vì vậy, ông Poul E. Kristensen cho rằng các chủ đầu tư không nên e ngại vấn đề chi phí và nên nắm bắt cơ hội cải thiện các yếu tố tiết kiệm năng lượng của công trình.