Khó từ nhận thức
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đơn vị ban hành chỉ số Lotus cho biết, kể từ cách đây 7 - 8 năm, thị trường đã bắt đầu nhìn thấy thực tế là các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể, đặc biệt là những người mua nhà và sinh sống trực tiếp tại các dự án này.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhận thức của chủ đầu tư và người tiêu thụ về các dự án xanh vẫn không được cải thiện nhiều, dẫn đến hệ quả là các dự án gắn mác “xanh” hiện nay chủ yếu là quảng cáo theo trào lưu, nhằm thu hút khách hàng. Trong khi đó, người mua nhà cũng “ù ù, cạc cạc” nhắm mắt chọn dự án gắn mác “xanh”, mà không biết dự án gắn mác đó có thực sự “xanh” hay không, hay việc gắn mác chỉ làm giá của căn hộ cao hơn giá trị thực tế của nó.
“Một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được, thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng, nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án”, ông Long phân tích và cho biết, một dự án chỉ được gọi là “xanh” khi trong suốt vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, cho tới thi công công trình, sử dụng, vận hành, sửa chữa..., đều tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, hạn chế chất thải và tạo không gian sống tốt nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề là xác định được những tiêu chí như vậy thường rất khó.
Hiện tại, do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xanh quốc gia, nên hầu hết các dự án xanh đều do chủ đầu tư lựa chọn tiêu chuẩn của các đơn vị tư vấn nước ngoài như EDGE (của Tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới), Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ).
Các tiêu chuẩn trên đều giống nhau ở 6 yếu tố cơ bản mà quốc gia nào cũng áp dụng, là địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; chất lượng môi trường trong nhà tốt; thiết kế sáng tạo, mới mẻ. Thế nhưng, không hẳn cái nào cũng áp dụng được tại Việt Nam, bởi luôn có sự khác biệt về điều kiện khí hậu, công nghệ và trình độ thi công giữa các quốc gia.
Theo ông Long, hiện Việt Nam đã có một bộ quy chuẩn về Lotus được VBGC xây dựng dựa hoàn toàn trên các quy định về tiêu chuẩn phát triển bền vững do Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2009. Tuy vậy, trên thực tế, không nhiều người biết đến bộ quy chuẩn này và số lượng các dự án tham gia tìm đến xin cấp chứng chỉ Lotus chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu đơn vị này vẫn phải tìm đến các chủ đầu tư dự án để giới thiệu, tư vấn, thay vì chủ đầu tư tìm đến các đơn vị cấp chứng nhận này như tại nước ngoài.
Cần mở lối chính sách
Sự hạn chế trong phát triển dự án xanh tại Việt Nam đến chủ yếu từ nhận thức của chủ đầu tư, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước chưa có những chính sách ưu đãi một cách rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án hướng tới việc xây dựng các dự án xanh.
Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House cho biết, để thực hiện một dự án xanh với chi phí tiết kiệm nhất, nhất thiết phải “xanh” ngay từ trên giấy. Có nghĩa là từ bản thiết kế ban đầu đã phải hướng tới yếu tố “xanh”, rồi sau đó quá trình xây dựng và hoàn thiện tiếp tục “xanh” hóa dự án. Tuy nhiên, phần lớn các dự án hiện tại đều mới hướng tới yếu tố “xanh” sau khi đã triển khai một thời gian, dẫn đến khi tính toán, chi phí sửa chữa rất tốn kém, hoặc phải đầu tư các thiết bị “xanh” đắt tiền, nên họ cuối cùng lại trở thành dự án “kém xanh” như ban đầu.
“Tất nhiên, sau những dự án đầu tiên phải sửa chữa với một mức chi phí tốn kém, các dự án tiếp theo, chủ đầu tư đã có kinh nghiệm và sẽ thực hiện đúng như quy trình là xanh trên giấy trước. Tuy nhiên, không hẳn chủ đầu tư nào cũng làm được điều này, bởi nhiều khi họ xác định một công trình xong là thôi, chẳng làm thêm dự án nào, nên không muốn phải thêm chi phí. Chưa kể, các quy định cấp phép dự án cũng không có gì ràng buộc họ tới yếu tố xanh hay bền vững, nên việc ít dự án xanh được triển khai là điều dễ hiểu”, ông Trung cho biết thêm.
Ngoài ra, dù biết yếu tố xanh sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho dự án, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư. Trong khi đó, việc phát triển dự án xanh hiện chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi.
Ông Vũ Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thực tế thời gian qua, đã có một số ngân hàng quan tâm đưa vấn đề tiêu chuẩn xanh vào thực hiện trong quá trình xem xét, đánh giá, thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng. Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế hiện nay là việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, nên việc xác định hỗ trợ cho các dự án còn chậm.
Thực tế, Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế cho phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng như Nghị định 102/2003/NĐ/CP về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quyết định 1393/QĐ-TTg về chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các quy định này còn thiếu văn bản hướng dẫn, nên việc triển khai tại các địa phương vẫn còn khá lúng túng.
Do đó, để thúc đẩy các dự án xanh ngày càng phát triển, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, mở lối chính sách cho các doanh nghiệp.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com