Tiếp tục rà soát dự thảo Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương được giao đề xuất các nội dung xin ý kiến Thường trực chính phủ thông qua về đề án Quy hoạch điện VIII; báo cáo Thủ tướng chính phủ trước ngày 20/5/2022.
Tiếp tục rà soát dự thảo Quy hoạch điện VIII

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 144/TB-VPCP về Kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với Bộ Công thương về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu tại văn bản số 2925/VPCP-CN ngày 11/5/2022.

Theo đó, báo cáo của Bộ Công thương tại buổi làm việc đã cơ bản làm rõ được số liệu về công suất điện mặt trời chưa vận hành nêu tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022.

Tuy nhiên, theo yêu cầu nêu tại văn bản 2925/VPCP-CN ngày 11/5/2022, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục làm rõ thêm về số liệu các dự án điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, đã được giao đất, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng; trên cơ sở đó có đánh giá tác động cụ thể và đề xuất các giải pháp.

Bộ Công thương cũng được yêu cầu làm rõ thêm tính khả thi, hiệu quả trong việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin lưu trữ…) đối với nguồn điện mặt trời trong các thời kỳ quy hoạch, đặc biệt là tới năm 2030; lưu ý số liệu phải cụ thể, chính xác và có trích dẫn nguồn số liệu cụ thể, kinh nghiệm các nước…

Đối với vấn đề điện khí LNG, Bộ Công thương cũng được yêu cầu làm rõ số liệu quy hoạch điện khí LNG đã giảm so với phương án trình tháng 3/2021 như thế nào?

Phân tích kỹ về tính khả thi, hiệu quả của Quy hoạch phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030 đối với kịch bản cao điều hành, trong đó cần báo cáo rõ về khó khăn, vướng mắc cụ thể trong triển khai một số dự án nguồn điện khí LNG thời gian qua, giải pháp thời gian tới; đánh giá hiệu quả của nguồn điện khí LNG gắn với phân tích về giá khí, giá điện khí LNG, so sánh với giá điện từ một số nguồn điện khác.

Bên cạnh đó cần đánh giá về an ninh năng lượng khi phát triển điện khí LNG theo kịch bản cao điều hành trong bối cảnh có thể xẩy ra những vấn đề địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới dẫn tới khả năng thiếu hụt nguồn khí hoặc giá khí LNG tăng rất cao…

Bộ Công thương cũng được yêu cầu phân tích hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của đề án Quy hoạch điện VIII được hoàn thiện theo tờ trình số 2279/TTr-BCT so với nội dung tại tờ trình 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021.

Trong đó phân tích kỹ các nội dung đạt được đến năm 2030 về giảm quy mô công suất nguồn điện quy hoạch (từ trên 180.000 MW xuống còn 146.000 MW), cơ cấu nguồn điện và số liệu phân bổ nguồn điện giữa các vùng miền hợp lý hơn, giảm đường dây truyền tải điện, giảm chi phí đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải…

Ngoài ra Bộ Công thương cũng được yêu cầu rà soát, đánh giá về sự phù hợp quy hoạch phát triển các nguồn điện, quy mô công suất nguồn điện quy hoạch so với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở nội dung Đề án Quy hoạch điện VIII hoàn thiện tại tờ trình số 2279/TTr-BCT và báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại văn bản 2925/VPCP-CN nêu trên, Bộ Công thương đề xuất các nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ thông qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2022.

Ngày 11/5/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2925/VPCP-CN, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ về đề nghị Bộ Công thương làm rõ một số nội dung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14/5/2022.Theo đó, Bộ Công thương được đề nghị rà soát, báo cáo rõ tình trạng triển khai các Dự án điện mặt trời trong phần công suất điện mặt trời chưa vận hành được đề cập tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể là, báo cáo rõ quy mô công suất đã được đầu tư xây dựng song chưa đưa vào vận hành, quy mô công suất đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phần quy mô công suất chưa được quyết định chủ trương đầu tư.

Đánh giá về sự phù hợp và tác động của việc giãn tiến độ quy hoạch điện mặt trời ra giai đoạn sau năm 2030, trong đó bổ sung phân tích về xu hướng phát triển công nghệ điện mặt trời, hệ thống lưu trữ năng lượng…

Yêu cầu thứ hai là đề nghị nghị làm rõ tính khả thi, hiệu quả, an ninh năng lượng khi thực hiện phát triển các nguồn điện khí sử dụng LNG nhập khẩu đến năm 2030 theo kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành (dự kiến quy mô công suất là 23.900 MW)

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục