Mỗi năm cần hơn 16 tỷ USD, chi phí biên đến lưới phân phối là 13,1 Uscent/kWh
Đề án Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương được gửi tới các cơ quan/đơn vị ngày 18/4 lấy ý kiến góp ý với thời hạn trước ngày 24/4.
Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII theo quy định và triển khai thủ tục để họp Hội đồng thẩm định trước ngày 25/4/2022.
Theo đề án, với phương án điều hành chuyển đổi năng lượng (Phương án điều hành tháng 4/2022), tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 165,7 tỷ USD, trong đó: cho nguồn điện là 131,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 34,5 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74/26.
Giai đoạn 2021 - 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 16,6 tỷ USD (13,1 tỷ USD cho nguồn và 3,5 tỷ USD cho lưới). Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 380,0 tỷ USD, trong đó: cho nguồn điện là 324,5 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 55,5 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 83/17.
Giai đoạn 2031 - 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 25,3 tỷ USD (21,6 tỷ USD cho nguồn và 3,7 tỷ USD cho lưới).
Theo kết quả tính toán ở phương án điều hành chuyển đổi năng lượng, chi phí biên theo công suất trung bình phần nguồn điện 444 USD/kW/năm giai đoạn 2021-2030 và 538 USD/kW/năm giai đoạn 2021-2045. Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất 10,4 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 13,1 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 15,4 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045.
Đề án Quy hoạch điện VIII được xây dựng với nhiều nguyên tắc trong đó có đảm bảo cho mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường; đảm bảo phát triển hạ tầng điện lực cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải.
Tổng công suất nguồn điện năm 2030 sẽ có 37.467 MW điện than, 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn.
Quy mô này đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng miền
Quy hoạch cũng có tính mở, chỉ xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp trên 220 kV giai đoạn 2021 - 2030, định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất giai đoạn 2031 - 2045, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp trên 220 kV giai đoạn 2031-2045.
Đồng thời đảm bảo hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các ngành, lĩnh vực đến năm 2030, quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 của đất nước.
Đề án Quy hoạch cũng phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo theo lộ trình cụ thể để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội qua các giai đoạn; ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng theo Đề án Quy hoạch điện VIII, hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt khoảng 1,31-1,34 lần trong giai đoạn 2021-2025 sẽ giảm dần còn 1,24-1,25 lần trong giai đoạn 2026-2030; 0,97-1,03 lần trong giai đoạn 2031- 2035 và xuống còn 0,64-0,82 lần trong giai đoạn 2036-2040 và giảm xuống 0,47-0,54 lần trong giai đoạn 2041-2045.
Điều này thể hiện tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hiệu quả chung sử dụng điện của Việt Nam sẽ dần được cải thiện theo thời gian.
Chất thải từ các công trình điện mặt trời, điện gió: đau đầu xử lý khi chi phí cao hoặc chưa có cách
Kịch bản phát triển nguồn và lưới điện lựa chọn tại QHĐ VIII là kịch bản đáp ứng được các mục tiêu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đến mức cam kết của Việt Nam tại COP26 và có xét đến các yếu tố cực đoan của điều kiện thời tiết.
Quá trình xây dựng và lựa chọn kịch bản điện là quá trình tương tác lồng ghép giữa Quy hoạch điện và mục tiêu bảo vệ môi trường từ ĐMC và đã lựa chọn các mục tiêu quan điểm về bảo vệ môi trường trong chính sách pháp luật hiện hành để làm ràng buộc đầu vào của các kịch bản điện, đảm bảo các kịch bản điện đạt được các mục tiêu này: huy động hợp lý nguồn điện từ năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí thải, chất thải rắn, nước thải, giảm phát thải CO2, giảm tiêu thụ nhiên liệu than và khí nhập khẩu.
Phương án điều hành chuyển đổi năng lượng (Phương án điều hành tháng 4/2022) có mức phát thải CO2 đạt 231 triệu tấn năm 2030 và 42 triệu tấn vào năm 2050 và ở kịch bản cơ sở mức phát thải CO2 đạt 235 triệu tấn năm 2030 và 39 triệu tấn CO2 vào năm 2050.
Mức giảm này đáp ứng được chỉ tiêu cam kết của Việt Nam với quốc tế đạt phát thải ròng về 0 vào 2050. Khối lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đốt than tăng từ 16,9 triệu tấn năm 2020 lên đến 27 triệu tấn năm 2030 và giảm còn khoảng 12 triệu tấn năm 2045.
Đề án cũng nêu rõ, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm thu gom xử lý chất thải của điện mặt trời và điện gió. Với chất thải điện mặt trời, hiện nay công nghệ có thể xử lý được nhưng chi phí lớn (khoảng 200-220 EUR/tấn), hiện đang được thực hiện ở châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện về công nghệ, năng lực và chế tài cho loại hình xử lý này.
Theo tính toán, tới năm 2045, khi hầu hết các tấm panel điện mặt trời lắp đặt thời gian hiện nay được tháo dỡ do hết tuổi thọ hoạt động, khối lượng loại chất thải này ước tính khoảng 2,8 triệu tấn đối với phương án phụ tải cao và 2,2 triệu tấn đối với phương án phụ tải cơ sở.
Với chất thải rắn từ điện gió, do các tuabin gió thải ra là loại chất thải khó quản lý và xử lý vì không thể tái chế được nên ở thời điểm hiện tại chúng được chứa ở các bãi thải. Kích thước lớn và mức độ bền vững cao của cánh quạt, cột, trụ của các tua bin gió đã, đang và sẽ là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý khi giải quyết vấn đề bãi thải.
Với Việt Nam, hiện nay mới bắt đầu xâm nhập và phát triển điện gió thì vấn đề này chưa thực sự được quan tâm, nhưng đến năm 2045, rác thải của điện gió cũng sẽ là vấn đề môi trường cần được quan tâm.
Năm 2030 Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 3.100 tấn chất thải từ điện gió đối với phương án phát triển 2C phụ tải cơ sở và con số này là 4.500 tấn đối với phương án phụ tải cao. Đến năm 2045 dự kiến lượng chất thải rắn từ điện gió cho phương án 2C phụ tải cơ sở là 140.800 tấn và phụ tải cao là 251.200 tấn.
Cũng theo tính toán, giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất dành cho các công trình điện khoảng 103.000 ha trong đó: lưới và trạm điện 220-500 kV khoảng 35.000 ha; nhiệt điện khoảng 7.000 ha; thủy điện và thủy điện nhỏ khoảng 55.000 ha; điện gió onshore khoảng 5.400 ha. Diện tích mặt biển của điện gió offshore khoảng 130.000 ha.
Còn giai đoạn 2031-2045, tổng diện tích đất dành cho các công trình điện khoảng 120.700 ha, trong đó: lưới và trạm điện 220-500 kV khoảng 33.000 ha, điện mặt trời quy mô lớn khoảng gần 54.000 ha, nhiệt điện khí khoảng hơn 1 ha; thủy điện và thủy điện nhỏ khoảng 18.000 ha, điện gió onshore là gần 14.000 ha. Diện tích mặt biển của điện gió offshore là hơn 1 triệu ha.