Phân cấp mạnh cho các địa phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ, được Chính phủ chấp nhận và trình Quốc hội xem xét thông qua quy trình thủ tục đặc biệt, có thể gọi là luồng xanh, với các dự án đặc thù, trong dự thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.
“Làm thế nào để doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm gia nhập thị trường, đó là chủ trương xuyên suốt trong sửa đổi các luật này”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cập nhật thông tin tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, vừa diễn ra sáng 9/10 tại Hà Nội, ngay sau khi nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về phức tạp, khó khăn trong quy trình thủ tục về đầu tư, kinh doanh.
Cũng phải nói thêm, Luật Đầu tư 2020 đã có một bước đột phá về thủ tục, khi chỉ còn quy định 2 nhóm trình tự, thủ tục, là nhóm chấp thuận chủ trương đầu tư và nhóm đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, nhóm cần làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thu gọn rất nhiều, chỉ còn các dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, một số dự án quy mô lớn, tác động tới cộng đồng như sân bay, cảng biển, các dự án có sử dụng đất được nhà nước cho thuê đất mà không qua đấu thầu, đấu giá.
Trong thời gian qua, cùng với việc sửa đổi các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường đầu tư kinh doanh đã được rà soát, hoàn thiện, thủ tục hành chính được cắt giảm mạnh mẽ.
Việc sửa đổi 4 luật trên, theo thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tinh thần là tiếp tục phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dự án xây dựng bến cảng, cảng có quy mô từ 2.300 tỷ đồng…
“Khi được Quốc hội thông qua, số lượng các dự án được phân cấp tăng lên nhiều và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương”, bà Ngọc chia sẻ.
Thủ tục luồng xanh cho dự án đặc thù sẽ được trình Quốc hội
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về câu hỏi của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt, dành cho nhóm dự án đặc thù mà một số nước trong khu vực đang thực hiện và được các nhà đầu tư quan tâm.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý về ý kiến này, cũng đã nghiên cứu mô hình chấp thuận đầu tư của một số nước. Hầu hết các nước đều có thủ tục đặc thù với nhóm dự án đặc thù. Ở Việt Nam, việc xem xét các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa lớn khá thận trọng, vì phải lường trước các tác động về vấn đề môi trường, xã hội… Tuy nhiên, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cũng cần có luồng xanh cho các dự án đặc thù”, Thứ trưởng Ngọc làm rõ khi trả lời các ý kiến của nhà đầu tư doanh nghiệp.
Cụ thể, các dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế nơi đã được phê duyệt quy hoạch, các dự án đổi mới, sáng tạo, các lĩnh vực công nghệ cao, chip, bán dẫn… sẽ không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Dự án không có cấu phần xây dựng cũng không phải thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan đến xây dựng.
“Quy trình, thủ tục được tiếp cận theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, nhà đầu tư sẽ cam kết thực hiện các quy định của pháp luật, nếu vi phạm sẽ chịu phạt. Các bộ, ngành sẽ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà đầu tư phải tuân thủ… Đây là ý tưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và được Chính phủ chấp thuận, trình Quốc hội”, Thứ trưởng Ngọc cho biết.
Cùng với đó, các nội dung sửa đổi của Luật PPP, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch cũng có nhiều nội dung phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục…
Trước đó, trong phiên thảo luận cùng nhau trao đổi giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng.
“Thủ tục hành chính đối với các dự án đầu có sử dụng đất là 310 ngày. Thời gian này quá nhanh, thực tế dài hơn rất nhiều, có những dự án chúng tôi triển khai, riêng khâu giải phóng mặt bằng đã mất tới 14 năm. Có những dự án hiện nay cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch, liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian”, ông Hiệp thẳng thắn.
Cũng theo ông Hiệp, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng lại thiếu tính đồng bộ. Việc sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây.
“Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các bộ, ngành lắng nghe nhiều hơn các ý kiến của các doanh nghiệp chịu tác động, để các vấn đề thực tế hơn”, ông Hiệp kiến nghị.