Tiếp tục nâng “chất” thị trường bảo hiểm

(ĐTCK) Dù đã có những tín hiệu hồi phục, nhưng thị trường bảo hiểm vẫn đang đối mặt với không ít thách thức khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm được siết chặt hơn. Song, đó là điều phải chấp nhận để nâng “chất” cho thị trường.
Thị trường bảo hiểm dần bước qua cơn suy thoái để bước vào chu kỳ hồi phục

Giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2024 giảm 0,26% so với năm trước, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính qua giai đoạn 2023-2024 có nhiều khó khăn, biến động và đạt được kết quả theo hướng chất lượng, bền vững hơn.

Năm 2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiếp tục thực hiện chức năng quản lý, giám sát đối với hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Cục đã tiếp nhận, rà soát và trình Bộ Tài chính các thủ tục phê chuẩn chức danh quản trị điều hành, đăng ký cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, tách quỹ, chia lãi...

Đồng thời, Cục thực hiện quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; giám sát hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý chất lượng đại lý. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Cục đã làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm để tăng cường quản lý, giám sát, đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và có hướng dẫn việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho doanh nghiệp...

Với các giải pháp quyết liệt của cơ quan chức năng cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm dần bước qua cơn suy thoái để bước vào chu kỳ hồi phục. Mặc dù tốc độ hồi phục còn chậm, song theo nhận định của lãnh đạo Bộ Tài chính, đã có những tín hiệu tích cực về triển vọng thị trường.

Năm 2025, Bộ Tài chính dự kiến, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với năm 2024), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng (tăng 9,77%), lĩnh vực nhân thọ ước đạt 153.698 tỷ đồng (tăng 3%). Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước tăng 0,8% so với năm 2024, trong đó phí bảo hiểm gốc tăng 4,1% và phí tái bảo hiểm giảm 2,7%. Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm ước tăng 7,9% so với năm 2024; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 2,65%; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 6,6%. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 5,77% so với năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 5,4%.

Song song với công tác thanh kiểm tra, việc nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm cũng là một trọng tâm. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hoạt động quản lý, giám sát sẽ được tăng cường trong năm 2025 theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, cùng với đó là thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch được phê duyệt.

“Bởi vậy, cần tiếp tục tập trung vào công tác quản lý, giám sát với mục tiêu đảm bảo thị trường bảo hiểm minh bạch, an toàn, hiệu quả... cũng là nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Tài chính giao tại hội nghị tổng kết công tác ngành được tổ chức mới đây”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho hay.

Thêm chế tài xử lý vi phạm bảo hiểm

Hoạt động quản lý, giám sát sẽ được tăng cường trong năm 2025 theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, cùng với đó là tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch được phê duyệt.

Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, “không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng” là một trong những quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp sản phẩm bảo hiểm.

Nghị định cũng quy định rõ việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trong cung cấp sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, phạt tiền từ 60-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vi phạm một trong các hành vi sau: Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 20 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 20 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 18 - Luật Kinh doanh bảo hiểm số 2022; đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định tại Khoản 5, Điều 9 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022...

Ngoài ra, Nghị định nêu rõ, hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền...

Cụ thể, phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt dưới 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 20 triệu đồng; phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 15 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; phạt tiền từ 160-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm của pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 213 - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà số tiền chiếm đoạt dưới 200 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 400 triệu đồng, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Thứ trưởng Bộ tài chính Lê Tấn Cận, cùng với các yếu tố nền tảng vĩ mô, tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” mạnh mẽ để thị trường bảo hiểm phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục