Bảo hiểm đầu tư cần “sạc phí” sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường khi bán sản phẩm liên kết đầu tư đang “sạc phí” ban đầu (tính phí ban đầu cho bên mua bảo hiểm) theo quy định cũ, tức là mức phí vẫn cao.
Phí năm đầu của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đang ở mức cao Phí năm đầu của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đang ở mức cao

Rút vốn trước hạn ít bị tổn thất

Anh Nguyễn Mạnh Quân (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, anh đang xem xét mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đóng phí bảo hiểm năm đầu, mỗi năm đóng khoảng 100 triệu đồng, 3 năm đầu đóng tổng cộng 300 triệu đồng. Nếu áp dụng theo quy định mới, anh chỉ bị trừ số tiền như sau: Năm 1 (100 triệu đồng - 50 triệu đồng = 50 triệu đồng); Năm 2 (100 triệu đồng - 30 triệu đồng = 70 triệu đồng), Năm 3 (100 triệu đồng - 20 triệu đồng = 80 triệu đồng). Như vậy, tổng số dư tài khoản của anh sau 3 năm còn là 200 triệu đồng. Nếu khấu trừ theo quy định cũ mà công ty bảo hiểm đang áp dụng thì tổng số dư tài khoản gần như bằng 0.

“Nhờ có chuyên gia tư vấn nên tôi mới biết được quy định mới sẽ có lợi cho khách hàng nên đang chờ được áp phí mới rồi mới chốt mua. Phí bảo hiểm phải đóng vẫn giữ nguyên, nhưng tài khoản bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ ít đi trong những năm đầu”, anh Quân nói.

Theo quy định tại Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 2/11/2023, tỷ lệ khấu trừ phí ban đầu của các sản phẩm liên kết đầu tư cho bên mua bảo hiểm trong năm đầu tối đa 50% phí bảo hiểm theo năm, năm thứ 2 không được vượt quá 30%, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 tối đa 20%. Từ năm thứ 6 trở đi, tỷ lệ này chỉ còn 2%.

Như vậy, nếu áp theo quy định mới, người mua bảo hiểm sẽ không bị khấu trừ chi phí những năm đầu quá cao như trước (do trước bỏ ngỏ quy định), tránh việc công ty bảo hiểm chi nhiều cho các khoản khác, trong đó có đội ngũ kinh doanh bảo hiểm.

Trước đó, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều phản ánh về việc sau khi tham gia bảo hiểm liên kết đầu tư, đến năm thứ 2-3 rút tiền thì tài khoản gần như không còn do công ty bảo hiểm đã tính hết vào chi trả phí vận hành liên quan, bao gồm chi phí ban đầu, chi phí quản lý hợp đồng, chi phí bảo hiểm rủi ro, chi phí quản lý quỹ, chi phí hủy bỏ hợp đồng… Hệ lụy là dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện do người tham gia bảo hiểm bị “mất trắng” khi hủy hợp đồng bảo hiểm ở những năm đầu tiên, thậm chí không ít trường hợp còn gửi đơn kêu cứu lên cả Bộ Tài chính, Bộ Công an. Trước thực tế này, để bảo vệ người tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính đã phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 67/2023 như trên.

Cuối tháng 6/2024, Báo Đầu tư Chứng khoán từng có bài viết phản ánh việc các công ty bảo hiểm chưa áp dụng quy định mới sau hơn 7 tháng Thông tư 67/2023 được ban hành và đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. Tìm hiểu tại nhiều công ty bảo hiểm cho thấy, tại bảng minh họa bảo hiểm đính kèm hợp đồng đã ký với khách hàng, hầu hết vẫn áp dụng mức khấu trừ phí từ 85-100% trong những năm đầu tiên.

Chẳng hạn, tại Manulife, năm đầu, khách hàng sẽ chịu mức phí là 85% phí bảo hiểm đã đóng, năm 2 là 75%, năm 3 là 25%... Tại AIA, tổng chi phí bên mua bảo hiểm phải chịu năm đầu là 90% phí bảo hiểm đã đóng, năm thứ 2 là 80%, năm thứ 3 là 30%, năm thứ 4 là 20% và từ năm thứ 5 là 1,5%. Tại Dai-ichi hay Prudential, mức khấu trừ phí 2 năm đầu cũng đều trên 75%...

Có thể thấy, việc giữ nguyên cách tính cũ, khấu trừ phí năm đầu của người tham gia bảo hiểm ở mức cao trên 75% đã không mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia bảo hiểm, không giúp họ được bảo toàn vốn khi mua bảo hiểm. Theo chuyên gia bảo hiểm Đặng Đình Chính, trong các chi phí khấu trừ của khách hàng, chi phí ban đầu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các năm đầu tiên. Nếu như các chi phí khác được thông báo cụ thể cho khách hàng, thì chi phí ban đầu lại không được công ty bảo hiểm nêu rõ chi vào việc gì, tại sao khách hàng lại mất tiền cho chi phí này?

Xét trên quy mô toàn thị trường, theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2024, các công ty bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu khai thác hơn 10.892 tỷ đồng từ bán sản phẩm liên kết đầu tư. Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí khai thác mới, ở mức 68,4%.

Ông Chính phân tích, nếu toàn bộ công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường tham gia bán sản phẩm này áp dụng tính phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo quy định mới tại Thông tư 67/2023 thì khách hàng sẽ được hưởng lợi, tài khoản bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ ít đi (có tổng số dư tài khoản trong năm đầu lên tới hơn 5.400 tỷ đồng), khó bị “mất trắng” khi hủy hợp đồng bảo hiểm ở những năm đầu tiên như trước đây, trong khi phí bảo hiểm phải đóng không thay đổi.

“Giả sử, một công ty bảo hiểm thu khoảng 1.000 tỷ đồng phí bảo hiểm liên kết đầu tư mỗi năm, nếu bây giờ thu theo quy định mới thì số tiền này sẽ giảm mạnh, nên họ sẽ chưa áp dụng sớm, cũng không vội tung ra sản phẩm mới, bởi như vậy sẽ mất đi nguồn doanh thu lớn, ảnh hưởng tới lợi nhuận”, ông Chính nêu ví dụ, đồng thời cho biết thêm, cũng khó có thể xác định công ty bảo hiểm sẽ mất đi bao nhiêu lợi nhuận vì mỗi công ty áp một mức phí ban đầu khác nhau, đồng thời lợi nhuận của công ty bảo hiểm cũng không chỉ dựa vào phí, không đơn giản là lấy thu trừ chi, nhưng chắc chắn sẽ mất đi các nguồn chi trả không hề nhỏ cho phí vận hành liên quan như đã đề cập ở trên.

Từ 1/7/2025, không áp phí mới phải dừng bán

Lý giải việc chưa tính phí ban đầu theo quy định mới, theo các công ty bảo hiểm nhân thọ, là do đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Các sản phẩm bảo hiểm đang được bán đều là sản phẩm cũ đã được Bộ Tài chính phê duyệt từ trước nên chưa phải tuân thủ theo quy định mới, trong trường hợp ra sản phẩm mới thì phải áp dụng. Chưa kể, theo Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, sau 2 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực (1/7/2023) thì mới phải thực hiện việc tính phí ban đầu theo Thông tư 67/2023.

Tuy vậy, điều này có cũng nghĩa, từ ngày 1/7/2025, công ty bảo hiểm buộc phải áp phí mới, nếu không sẽ phải dừng bán. Thông tư 67/2023 buộc các công ty bảo hiểm phải khống chế mức trần về phí ban đầu của các sản phẩm liên kết đầu tư để hài hòa lợi ích giữa bên bán và bên mua bảo hiểm, góp phần bảo vệ quyền lợi cho bên mua. Tất nhiên, khi Chính phủ ban hành quy định khống chế mức trần theo năm sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm đã đăng ký với Bộ Tài chính từ trước đó.

Ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance - công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm cho biết, một số đại lý bảo hiểm thông báo rằng, việc công ty bảo hiểm nhân thọ chưa áp dụng cách tính phí ban đầu theo Thông tư 67/2023 đã gây ra nhiều thiệt hại tài chính cho khách hàng của họ và điều này khiến việc bán vốn đã khó càng trở nên khó hơn. Trường hợp hủy hợp đồng trong những năm đầu, công ty bảo hiểm vẫn áp dụng cách khấu trừ phí cũ, tức là khách hàng bị trừ đến 90%, thậm chí 100% tổng số tiền phí đã đóng so với phí cơ bản.

“Điều này phần nào lý giải vì sao có ‘cơn địa chấn bảo hiểm’ năm 2023 khi khách hàng không được giải thích cụ thể, cứ đinh ninh mình gửi tiền vào quỹ đầu tư, nếu có bị trừ phí thì đó chỉ là những khoản phí quản lý quỹ thông thường, đâu biết rằng mình bị ‘mất trắng’ số tiền đã nộp khi đơn phương hủy hợp đồng trước hạn”, ông Nguyên nói.

Dù còn 6 tháng nữa mới đến hạn cuối cùng, nhưng theo các chuyên gia, các công ty bảo hiểm nhân thọ cần sớm áp dụng quy định mới, nhất là trong bối cảnh doanh thu bán mới của bảo hiểm liên kết đầu tư 7 tháng đầu năm 2024 giảm gần 33% so với cùng kỳ 2023, theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

“Nếu quy định mới được các công ty bảo hiểm nhân thọ áp dụng sớm sẽ có lợi cho người tham gia bảo hiểm đầu tư, quyền lợi của họ cũng được đảm bảo tốt hơn”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục