Tiếp tục cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao

(ĐTCK) Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao từ 10 - 14,5%/năm nhằm huy động vốn. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng đồng nghĩa với rủi ro cao.
Tiếp tục cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao

CTCP Phát triển bất động sản Phát Ðạt đã phát hành thành công 550 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ sau 3 đợt phát hành từ ngày 3/6 - 31/7/2019 và MBBank là đối tác đã mua trọn toàn bộ lô trái phiếu này. Ðây là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền, kỳ hạn 60 tháng, kỳ tính lãi 3 tháng. Lãi suất trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm. Lãi suất các kỳ tính lãi tiếp theo bằng lãi suất tiết kiệm cá nhân 24 tháng tại MBBank cộng với biên độ tối thiểu 3,5%/năm.

Trong một đợt phát hành khác vào ngày 1/8/2019, Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB mua trọn lô trái phiếu giá trị 225 tỷ đồng cũng do Phát Ðạt phát hành. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 9,5%/năm.

Cùng ngày, Phát Ðạt còn phát hành thành công 70 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất cố định 13,5%/năm. Ðây là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và kỳ hạn 1 năm, trả lãi 3 tháng/lần. Công ty Chứng khoán Hải Phòng đã mua 19 tỷ đồng trái phiếu, 2 nhà đầu tư cá nhân mua 51 tỷ đồng còn lại.

Trước đó, CTCP Tập đoàn Ðầu tư địa ốc Nova (Novaland) đã phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt (mỗi đợt 200 tỷ đồng), lãi suất đều xấp xỉ 11%/năm. CTCP Tập đoàn Ðất Xanh, CTCP Ðầu tư Văn Phú - Invest hay CTCP Ðầu tư và kinh doanh Nhà Khang Ðiền cũng đều phát hành trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm.

Việc doanh nghiệp bất động sản đồng loạt huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hạn chế dòng tiền chảy vào các kênh tăng trưởng “nóng” và phát triển nhờ cung tiền như bất động sản. Các ngân hàng phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu của ngành đưa ra năm nay ở mức 14%. Ðiều này khiến các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn tín dụng và phải đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Nhằm giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng, góp phần giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh và hiệu quả, việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi lượng trái phiếu phát hành ngày càng tăng và với lãi suất cao, thì rủi ro đi kèm cũng sẽ lớn.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm chủ đề về thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020 tổ chức mới đây, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang trong xu hướng phát triển, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư cá nhân, ông Thành khuyến cáo, nhà đầu tư cần tìm mua trái phiếu các doanh nghiệp có uy tín, đồng thời tìm hiểu kỹ về đơn vị bảo lãnh phát hành, tránh chỉ tập trung vào lãi suất cao, bởi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao thì cũng đồng nghĩa với rủi ro cao.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HÐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cũng đưa ra nhận định, lãi suất huy động của ngân hàng hiện nay phổ biến từ 6 - 7%/năm - là mức cao nhất và ở kỳ hạn dài ngày, trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp mà chủ yếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản lên đến 13 - 14%/năm, tức gấp đôi lãi suất huy động là một điều cần lưu ý. Ðó là chưa kể, việc ngân hàng đứng ra bảo lãnh nhưng không thông tin là bảo lãnh cả vốn lẫn lãi, hay chỉ bảo lãnh một phần khi phát hành cũng là yếu tố gây rủi ro.

Dù đánh giá mặt tích cực của trái phiếu doanh nghiệp trong cung cấp vốn cho thị trường, nhưng Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ lưu ý, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ gây rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.

Theo Phó Thủ tướng, hiện các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm, trong khi lãi suất một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ 13 - 14%/năm, thậm chí lên tới 15%/năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất cho vay của ngân hàng, nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân vốn hạn chế về khả năng nắm bắt thông tin về doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tài sản và tài sản hình thành từ nguốn trái phiếu cũng chưa được định giá bởi các tổ chức độc lập và khó xác minh tranh chấp pháp lý. Ðồng thời, vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán...

Ðể thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, là kênh dẫn vốn hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ giao Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội thông qua. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát quy định cụ thể về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.    

6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục