Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết có quy mô lợi nhuận nghìn tỷ đồng những ngày này đang bận rộn dành tâm sức cho 2 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), trên nền tảng của 2 công trình khoa học thuộc hệ sinh thái doanh nghiệp mà tập đoàn này đầu tư. Vingroup, Vietel, FPT… cũng đang dành nguồn lực cho các hạt giống mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, Fintech, sản xuất thông minh…
Đây là những thế hệ “măng mọc” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển và lớn mạnh, cũng là niềm hy vọng của nền kinh tế trong tương lai.
Tại Diễn đàn cải cách tổ chức mới đây ở Hà Nội, các số liệu được dẫn chứng cho thấy sức mạnh lớn của khu vực kinh tế này, khi tại Mỹ, tổng đầu tư mạo hiểm cho start-up năm 2016 là 69,1 tỷ USD, tương đương 0,37% GDP.
Kết quả là các doanh nghiệp tạo ra 11% việc làm ở khu vực tư nhân và đóng góp 21% GDP của Mỹ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, có nhà đầu tư ngoại đã đợi 1 năm nay vẫn chưa xin được giấy phép thành lập quỹ đầu tư cho start-up. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về start-up, nhưng số tiền thực sự vào Việt Nam chỉ chiếm 1%.
Got It đã nhận được khoản đầu tư 12 triệu USD tại Mỹ. Một start-up công nghệ Việt khác là Lozi được định giá hơn 30 triệu USD, nhưng cũng nhận vốn từ Singapore, chứ không phải Việt Nam.
Đã có diễn giả đặt vấn đề rằng, Chính phủ thay vì tăng ngân sách thông qua thu thuế, tại sao không có các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, tạo "vốn mồi" thu hút tư nhân đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ rằng, nếu Việt Nam có 30% vốn đầu tư từ Chính phủ thì họ sẵn sàng rót 70% vốn đầu tư đi cùng. Chính phủ không đầu tư trực tiếp, mà rót vốn thông qua các quỹ đầu tư.
Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng rất chia sẻ về nhu cầu cần thu hút dòng vốn vào phát triển các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sản phẩm mới…
Trong con mắt của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt kể từ năm 2015.
Vấn đề đặt ra là làm sao liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước… mở cửa thị trường tài chính và chứng khoán hơn nữa.
Trước đây, Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng nay cần đa dạng hóa kênh dẫn vốn để “tiếp nhiên liệu” cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.