Nhận ủy quyền vẫn khó xử lý tài sản đảm bảo

(ĐTCK) Tưởng chừng đã nắm chắc “bảo bối” là hợp đồng ủy quyền có thể toàn quyền xử lý tài sản đảm bảo nhưng không ít trường hợp, ngân hàng vẫn phải “bó tay”.
Nhận ủy quyền vẫn khó xử lý tài sản đảm bảo

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Công ty cổ phần Kinh doanh kim khí và Dịch vụ công nghiệp do ông Đặng Hồng Hải là giám đốc có quan hệ tín dụng từ năm 2011.

Ngày 4/8/2012, Công ty ký hợp đồng vay vốn số tiền 6 tỷ đồng, mục đích nhằm bổ sung vốn lưu động, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 13,5%/năm. Năm 2013, hoạt động kinh doanh của Công ty gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc trả nợ, Ngân hàng đã đồng ý ký kết các hợp đồng bổ sung gia hạn thêm thời gian.

Đảm bảo cho khoản vay gồm 2 hình thức là thế chấp và bảo lãnh. Với hình thức thế chấp, tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ ba gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Ngọc Khương (địa chỉ ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và gia đình ông Đặng Hồng Hải (địa chỉ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngoài ra, ngày 26/7/2012, Ngân hàng nhận được giấy cam kết bảo lãnh khoản vay của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia công kim khí. Trong trường hợp Công ty cổ phần Kinh doanh kim khí và Dịch vụ công nghiệp không trả được nợ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia công kim khí có nghĩa vụ trả nợ thay. Hợp đồng có đầy đủ chữ ký của các bên.

Do tình hình kinh doanh không được cải thiện, ngày 30/9/2013, gia đình ông Đặng Hồng Hải đã ký hợp đồng ủy quyền cho Ngân hàng chuyển nhượng căn nhà ở quận Hoàng Mai khấu trừ nợ. Từ khi ký hợp đồng ủy quyền, Công ty “chắc mẩm” không phát sinh các khoản lãi.

Tuy nhiên, năm 2014, Ngân hàng chuyển khoản vay trên sang nợ quá hạn. Năm 2015, Ngân hàng khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân quận Long Biên, buộc Công ty phải thanh toán toàn bộ nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn tổng cộng hơn 8,8 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị cơ quan thi hành án phát mại các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Bản án sơ thẩm năm 2016 đã chấp nhận nội dung khởi kiện của Ngân hàng. Không đồng tình với quyết định của bản án, Công ty Kinh doanh kim khí và Dịch vụ công nghiệp cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng loạt kháng cáo. Ngày 29/6/2017, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng án.

Đại diện Công ty tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng, khi ký kết hợp đồng ủy quyền căn nhà ở quận Hoàng Mai tức là trao toàn quyền định đoạt tài sản cho Ngân hàng. Công ty mặc nhiên hiểu rằng Ngân hàng sẽ xử lý tài sản trên để khấu trừ nợ, đồng nghĩa với việc khoản lãi sẽ không phát sinh kể từ thời điểm ủy quyền. Nhưng từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng không thông báo hoặc có ý kiến về việc xử lý tài sản này, trong khi lại khởi kiện vụ việc ra tòa án đòi toàn bộ gốc và lãi làm ảnh hưởng quyền lợi của chủ tài sản và Công ty.

Trên thực tế, Ngân hàng ACB cho biết, kể từ thời điểm nhận ủy quyền, chủ tài sản không bàn giao nhà. Ngân hàng đã rao bán nhưng suốt 4 năm qua, không có người mua. Trong khi đó, chủ tài sản trình bày từ năm 2012 đã ký hợp đồng cho người khác thuê nhà để kinh doanh.

Quá trình xét xử giai đoạn phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới. Đó là vào trước thời điểm khởi kiện, tháng 5/2015, Ngân hàng đã tự ý phong tỏa tài khoản số tiền hơn 700 triệu đồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia công kim khí (bên bảo lãnh khoản vay) với lý do xử lý nợ quá hạn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia công kim khí phản đối nhưng Ngân hàng gửi văn bản cho rằng, việc phong tỏa là đúng quy định vì cam kết bảo lãnh là tự nguyện. Tình tiết này chỉ được bị đơn - Công ty cổ phần Kinh doanh kim khí và Dịch vụ công nghiệp cung cấp tại phiên tòa ngày 29/6/2017.

Bị đơn cho rằng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia công kim khí là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên cần thiết phải tham gia tố tụng. Đây được coi là tình tiết mới xuất hiện tại cấp phúc thẩm, nên Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao vụ án về tòa sơ thẩm xét xử lại từ đầu.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục