Năm 2019: Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

(ĐTCK) Kế hoạch kinh doanh năm 2019 nhiều ngân hàng dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thông qua tiếp tục là những con số đẹp…
Năm 2019: Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Dự phòng giảm, ngân hàng lãi cao trong năm 2018

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhờ việc Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức nên mức tăng trưởng tín dụng đã tăng nhanh trở lại trong quý IV/2018 sau giai đoạn tăng chậm hoặc gần như không tăng ở nhiều ngân hàng trong quý trước đó. Với mức tăng trưởng chủ yếu nằm trong khoảng từ 17 - 18%, các ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm quốc doanh.

Một phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, năm 2018, Techcombank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong ngành (tăng 20,3% so với năm 2017), mặc dù nửa đầu năm chỉ tăng trưởng rất thấp (ở mức 3,6%). Tuy cho vay khách hàng của Techcombank giảm nhẹ 0,6% so với năm trước, nhưng tăng trưởng tín dụng tổng thể được bù đắp bởi danh mục trái phiếu với giá trị lớn, gần 60.000 tỷ đồng.

Ngoại trừ Techcombank, các ngân hàng khác đều có tỷ trọng đóng góp từ thu nhập lãi ròng giảm đi, và thu nhập ngoài lãi tăng lên, phù hợp với định hướng giảm dần phụ thuộc vào cho vay. Ví dụ, thu nhập dịch vụ tăng trưởng mạnh nhất ở TPBank, với mức  tăng hơn 300%, MBBank và HDBank đều hơn 120%, chủ yếu nhờ vào việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của 10 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, ACB, Techcombank, VIB, VPBank, HDBank, TPBank, MBBank đã tăng 34,4%, mặc dù tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 18,4% so với năm trước. Được biết, kết quả này có được là nhờ xu hướng giảm chi phí dự phòng ở các ngân hàng đã tất toán hết nợ trái phiếu đặc biệt VAMC trong năm trước đó, mạnh nhất ở ACB và Techcombank.

Với các ngân hàng vẫn còn dư nợ VAMC, tiến độ thu hồi nợ xấu đã có tiến triển tốt nhờ tác động tích cực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 183.200 tỷ đồng nợ xấu, đạt trên 32% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Ngoài ra, ước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2018, các tổ chức tín dụng đã sử dụng gần 84.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng, chiếm trên 45% tổng xử lý nợ xấu, chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ.

Tại thời điểm cuối 2018, BIDV, VPBank và HDBank đã có thể thu hồi được 20 - 25% so với dư nợ VAMC vào thời điểm cuối năm trước, nhờ đó, các ngân hàng này chỉ cần trích lập chi phí dự phòng VAMC không đáng kể hoặc thấp hơn nhiều so với năm 2017. Như vậy, dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng cải thiện không nhiều thì tỷ lệ nợ xấu thực tế (nợ nội bảng và nợ VAMC) tại các ngân hàng này tiếp tục giảm đi đáng kể.

Liên quan đến kết quả mua bán, xử lý nợ xấu tại VAMC, ước tính đến cuối tháng 12/2018, VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (gần 95% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao).

Theo đó, kết quả mua nợ lũy kế giai đoạn 2013 - 2018 đạt xấp xỉ 310.000 tỷ đồng theo giá mua. Mua nợ theo giá thị trường trong năm 2018 ước đạt gần 2.700 tỷ đồng (77% kế hoạch được giao), lũy kế giai đoạn 2013 - 2018 đạt xấp xỉ 5.830 tỷ đồng. Xử lý nợ xấu của VAMC dự kiến đạt 39.100 tỷ đồng dư nợ gốc (hơn 113% kế hoạch được giao). Cụ thể, kết quả xử lý các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt đạt gần 36.000 tỷ đồng dư nợ gốc; kết quả xử lý các khoản nợ mua theo giá thị trường đạt 3.265 tỷ đồng dư nợ gốc. 

Năm 2019, kịch bản có lặp lại?

 Theo các chuyên gia kinh tế, hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt ra cho toàn ngành trong cả năm 2019 là 14%, thấp hơn so với hai năm trước. Song song với đó, tình trạng thiếu vốn hiện tại của các ngân hàng quốc doanh được cho là nhân tố chính trong việc hạn chế tiềm năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này.

Dư địa tăng trưởng tín dụng thu hẹp lại, còn tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) thì sao?

Năm 2018, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của TPBank và VIB tăng mạnh nhất trong ngành, với mức tăng 0,7 - 0,9 điểm phần trăm. Tiếp theo là MBBank, Vietcombank và ACB. Theo TPBank, ngân hàng này đã đẩy mạnh cho vay bán lẻ đáng kể từ năm 2017 bằng việc đề ra mức lãi suất ưu đãi trong 6 - 12 tháng đầu cho các khoản vay cá nhân.

Do vậy, khi lãi suất của các khoản vay ưu đãi này chuyển về mức thông thường thì NIM của ngân hàng cũng tăng mạnh so với năm 2017. Kể từ năm 2019, khi tỷ trọng các khoản vay ưu đãi của TPBank thấp hơn nhiều so với trước đây thì tác động tích cực làm tăng NIM sẽ không còn mạnh mẽ như trước.

Đối với trường hợp của MBBank, Vietcombank và ACB, các ngân hàng này đã mở rộng NIM thành công thông qua việc tái cơ cấu danh mục tài sản theo hướng tập trung vào cho vay bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài chính tiêu dùng (đối với trường hợp MBBank), tuy vậy mức độ cạnh tranh trong các lĩnh vực này ngày càng gay gắt hơn. Về phía HDBank và VPBank, NIM chỉ tăng nhẹ do tăng trưởng là đóng góp của mảng tài chính tiêu dùng thấp hơn so với giai đoạn tăng mạnh năm 2017.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, 4 yếu tố tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng trong năm 2019: Thứ nhất, thu phí dịch vụ; Thứ hai, đẩy mạnh giao dịch liên ngân hàng. Cho vay các ngân hàng khác không chịu sự khống chế trần tín dụng của NHNN; Thứ ba, giảm chi phí dự phòng rủi ro; Thứ tư, cơ cấu lại nhóm khách hàng để tập trung vào những nhóm khách hàng cho vay mang lại lợi nhuận cao.

Đồng quan điểm này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng rằng, trong năm 2019, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi tăng lên tại TPBank, MBBank và HDBank sẽ tiếp tục đạt mức cao dẫn đầu trong ngành, tuy rằng mức độ duy trì thấp hơn năm 2018.

Ngoài ra, BIDV và Vietcombank đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi các liên doanh bảo hiểm nhân thọ hiện tại để tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền. Nếu thành công, dự kiến hai ngân hàng này sẽ có khả năng thu được thu nhập bất thường từ thoái vốn và phí trả trước của hợp đồng nêu trên, cộng với mức tăng trưởng hàng năm cao hơn của doanh thu phí bancassurance.

Thu nhập khác từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý, hoạt động kinh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng tăng trưởng mạnh mẽ và góp phần mở rộng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động.    

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục