Cần thận trọng trong điều hành để giảm rủi ro từ lạm phát, tỷ giá

Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tích cực, nhưng sức ép lạm phát và tỷ giá vẫn đang rất lớn, khiến Thủ tướng Chính phủ khi chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2018 cũng bày tỏ lo ngại. Theo Thủ tướng, nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát, thì kinh tế không ổn định.
Thị trường ngoại hối những tháng cuối năm có thêm những ẩn số khó đoán. Thị trường ngoại hối những tháng cuối năm có thêm những ẩn số khó đoán.

Lo ngại là phải, khi sức ép lên lạm phát và tỷ giá dường như ngày càng lớn. Đầu tuần này, giá USD tiếp tục diễn biến phức tạp, có ngân hàng niêm yết giá USD chiều bán ra ở mức 23.330 VND/USD, cao nhất kể từ trước tới nay.

Trong khi đó, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có dấu hiệu hạ nhiệt, với CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, song nếu tính bình quân 7 tháng, CPI đang ở mức 3,45% - khá gần mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay. 7 tháng đã vậy, nhiều dự báo cho thấy, sức ép lạm phát và rủi ro đối với tỷ giá còn rất lớn trong thời gian tới.

Với lạm phát, điều dễ nhận thấy là theo kế hoạch, giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình.

Trong khi đó, việc giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới có khả năng tăng cao (Ngân hàng Thế giới dự báo giá dầu thô sẽ tăng 32,6%, giá hàng hóa không tính giá năng lượng tăng 5,1%...) cũng tác động lớn tới giá các mặt hàng thiết yếu, tới giá nguyên liệu đầu vào cơ bản ở trong nước.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng không chỉ làm tăng giá vốn, mà còn gây khó khăn cho các ngành sản xuất, khiến áp lực lạm phát có thể tăng cao trở lại.

Thậm chí, đó không còn là dự báo khi trong phiên giao dịch đầu tuần này, lần đầu tiên trong gần 3 tuần qua, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã vượt 70 USD/thùng sau những lo lắng về nguồn cung toàn cầu cùng dự báo về khả năng nhu cầu tăng mạnh.

Với tỷ giá, diễn biến thị trường ngoại hối được cho là sẽ khó lường hơn trong bối cảnh “cuộc chiến” thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc - EU) căng thẳng hơn; nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR…) để hạn chế thiệt hại.

Đó là chưa kể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất USD, đồng thời dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019. Ở trong nước, hiện còn nhiều vấn đề liên quan đến thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp…

Tất cả những động thái trên sẽ gây áp lực lên tỷ giá, khiến thị trường ngoại hối những tháng cuối năm thêm những ẩn số khó đoán.

Ở đây, cũng cần nhấn mạnh thêm mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá. Một khi tỷ giá biến động sẽ tạo thêm áp lực cho lạm phát và ngược lại. Tỷ giá và lạm phát diễn biến khó lường sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, xuất khẩu, tới ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần thận trọng trong điều hành để có thể vượt qua thách thức, tránh rủi ro, đảm bảo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định.

Có lẽ giải pháp trong lúc này không chỉ là theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý rốt ráo các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường, mà còn cần minh bạch, thận trọng và linh hoạt trong điều chỉnh giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm.

Bên cạnh đó, phải chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối…

Làm được như vậy, ẩn số lạm phát và tỷ giá sẽ không còn là rủi ro quá lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục