Hóa giải 2 ẩn số lạm phát

(ĐTCK) Giá xăng dầu và thịt lợn, 2 ẩn số lớn nhất đối với lạm phát 6 tháng cuối năm, sẽ được hóa giải như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, xu hướng gia tăng của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2018 không phải là điều bất ngờ vì đã được dự báo từ cuối năm 2017. Lý do là trong 6 tháng đầu năm 2017, giá thịt lợn đã giảm tương đối mạnh, khiến lạm phát giảm. Do đó, lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2018 sẽ tăng trở lại nếu giá thịt lợn không tiếp tục giảm.

Nhận định về xu hướng lạm phát trong 6 tháng cuối năm, Viện Kinh tế Tài chính dự báo, với mức lạm phát trung bình 3,29% trong 6 tháng đầu năm, giảm xuống dưới mức 4% so với cùng kỳ năm trước, thì trong những tháng cuối năm, có khả năng lạm phát trung bình cả năm 2018 cũng được kiểm soát ở mức dưới 4%.

“Lạm phát nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 7/2018 và sau đó sẽ giảm xuống mức dưới 4%, thậm chí có thể dưới 3% trong những tháng cuối năm 2018. Nguyên nhân chính khiến lạm phát của cùng kỳ năm trước giảm là do Chính phủ điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế trong giai đoạn cuối năm 2017. Do đó, lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 sẽ giảm mạnh nếu giá dịch vụ y tế vẫn được giữ nguyên”, ông Độ đánh giá.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, vẫn còn 2 ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018, đó là giá xăng dầu và thịt lợn. Biến động của các ẩn số này có thể tạo ra sức ép lên lạm phát, thể hiện ở 2 kịch bản được Viện Kinh tế Tài chính vừa đưa ra.

Hóa giải 2 ẩn số lạm phát ảnh 1

Theo đó, trong kịch bản 1, nhiều khả năng sẽ xảy ra, nếu giá dầu và thịt lợn không tiếp tục tăng mà chỉ neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua, thì lạm phát sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm 2018 sẽ ở mức 3,4-3,5%.

Với kịch bản 2, ít khả năng xảy ra hơn, nếu giá dầu và thịt lợn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng, tương đương với mức tăng trong 6 tháng đầu năm, lạm phát trung bình cả năm 2018 dự kiến sẽ tăng lêm mức 3,8-3,9%. Có thể thấy, dù ở kịch bản lạm phát tăng cao nhất, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% ở vẫn có thể đạt được (khi giá dầu tăng lên 80-90 USD/thùng và giá thịt lợn lên mức 50.000-60.000 đồng/kg).

"Nếu thực hiện đúng các giải pháp để ổn định thị trường và neo giá đối với xăng dầu và thịt lợn, thì về tổng thể, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình của cả năm 2018 ở mức dưới 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ”, ông Độ nhận xét.

Trong khi đó, theo phân tích của chuyên gia Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế Tài chính, để đánh giá tác động đến lạm phát, cần phải xem xét thêm các yếu tố khác, bao gồm việc lãi suất huy động có thể được điều chỉnh tăng do áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến điều chỉnh tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2018, cũng như yếu tố mùa vụ khi những tháng cuối năm cũng là thời điểm các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng hồi phục và tăng trở lại, đặc biệt là các mặt hàng dầu thô, một số mặt hàng nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn, gây áp lực tăng lên mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước.

“Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 vẫn rất lớn nên cần thận trọng, bởi các yếu tố gây sức ép tăng giá như đã nêu ở trên có thể đẩy CPI cả năm tăng cao hơn. Với mức tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2018 là 3,29%, chỉ số CPI năm 2018 có thể sẽ dao động từ 3,5-4%”, bà Vân nhận định.

Lo ngại về sức cầu trong nước có thể giảm trước sức ép giá cả gia tăng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong hệ thống phân phối quốc gia, nếu giảm bớt chi phí kinh doanh, giảm bớt một vài khâu trung gian... thì giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... sẽ giảm 5-10%. Ngoài ra, trong điều kiện sức mua còn yếu, Quốc hội nên xem xét sớm tạm thời điều chỉnh mức thuế VAT hiện nay, từ 5% và 10% xuống 4% và 7% tùy theo nhóm hàng cụ thể để kích thích sức mua và thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ hơn.  

Cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu với các mặt hàng giá cả có xu hướng tăng cao

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế 

Đối với các mặt hàng giá cả có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng  dầu, lương thực, thịt lợn..., Chính phủ cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường.

Đặc biệt, với giá xăng dầu, Chính phủ cần yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm. Bộ Công Thương cũng cần rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp, triệt để tiết giảm chi phí để không điều chỉnh giá điện trong năm nay.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt biện pháp điều hành giá, đặt biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa, các mặt hàng thiết yếu, rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục