Nếu tính chung cả quý III, thanh khoản thị trường ở trạng thái khá tốt. Thị trường giao dịch sôi động, với doanh số cho vay bình quân từ đầu tháng 7 tới ngày 26/9 đạt 30.000 tỷ đồng/phiên và giao dịch kỳ hạn ngắn qua đêm (1 tuần) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đạt 77% tổng giá trị giao dịch.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo BIDV cho biết, mặc dù xu hướng giảm của lãi suất đã được dự báo, song mức giảm vẫn lớn hơn so với dự kiến. Cụ thể, mặt bằng lãi suất thị trường tiền tệ liên ngân hàng bình quân kỳ hạn 1 tuần trong quý III ở mức 1,1%/năm, giảm sâu từ mức bình quân 3,8%/năm của quý II. Đà giảm mạnh tới 130-150 điểm phần trăm đã diễn ra trong tháng 7, xuống mức 0,3-0,6%/năm với kỳ hạn qua đêm (1 tuần), trước khi tăng nhẹ lên mức 0,5-0,8%/năm vào cuối tháng 9.
Thực tế thị trường cho thấy, phần lớn yếu tố tác động đến lãi suất quý III đều hỗ trợ xu hướng giảm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thêm những động thái thể hiện định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, khi đầu tháng 7, cơ quan này quyết định giảm nhẹ 0,25%/năm lãi suất điều hành tái cấp vốn, tái chiết khấu và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên.
Lần điều chỉnh thấp hơn so với mức giảm gần nhất là 0,5%/năm đối với lãi suất điều hành và 2%/năm đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên vào năm 2014.
Được biết, NHNN đã bơm ròng khoảng 19.000 tỷ đồng trong quý III chủ yếu qua kênh mua vào ngoại tệ, góp phần bổ sung thanh khoản cho thị trường. Theo đó, tăng trưởng cung tiền M2 so với quý trước đã tăng lên, từ 15% cuối tháng 6 lên 17% bình quân quý III.
Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, huy động vốn 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá, ước đạt 11,2% so với cuối năm 2016 (9 tháng 2016 tăng 14,1%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 10,9%, phát hành giấy tờ có giá ước tăng 18,6%.
Huy động ngoại tệ tăng 4,3%, chiếm 10,2% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 12,5%, chiếm 89,8%. Ước tính đến hết tháng 9/2017, tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2016, nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng 12,9% (cùng kỳ 2016 tăng 12,5%).
Cũng theo lãnh đạo BIDV, số chênh lệch huy động vốn-tín dụng VND của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9 đã mở rộng khoảng 40.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6, do trong quý III huy động vốn đã tăng trưởng tích cực hơn so với tín dụng khoảng 0,6%.
Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối tháng 8 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Nguyên nhân là do thực trạng giải ngân đầu tư công trong giai đoạn này còn chậm, chỉ đạt 38,4% kế hoạch Quốc hội giao cả năm.
Một điểm đáng chú ý là thị trường ngoại hối tiếp tục xu hướng ổn định, khi biên độ dao động của tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tương đối hẹp, quanh mức 22.723-22.762 VND/USD, hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư.
Tính đến 22/9/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.450 VND/USD, tăng 1,32% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm 0,14%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,64% so với đầu năm.
Một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Thị trường ngoại hối những tháng đầu năm được hỗ trợ rất nhiều từ chỉ số Dollar Index giảm 11,5% so với đầu năm 2017 và hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (khoảng 5-6%/năm)”.
Dự báo, thanh khoản thị trường VND liên ngân hàng trong 3 tháng cuối năm sẽ bớt dồi dào trước tác động của yếu tố chu kỳ, nhưng trạng thái căng thẳng cục bộ có thể giảm nhẹ so với cùng kỳ các năm trước. Lãi suất liên ngân hàng dự báo dao động trong khoảng 1-4%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần.
Nguyên nhân là bởi các yếu tố tạo áp lực tăng lên lãi suất chiếm ưu thế so với yếu tố hỗ trợ giảm.
Cụ thể, lãi suất tăng lên do: Thứ nhất, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc, thêm khoảng 9-10% trong 3 tháng cuối năm khi các ngân hàng nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của năm, hướng tới mốc tăng trưởng tín dụng 21-22% mà Chính phủ đã đặt ra; thứ hai, giải ngân đầu tư công và các hoạt động chi tiêu giai đoạn cuối năm tăng nhanh hơn, làm giảm số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng.
Theo đó, mức độ căng thẳng thanh khoản giai đoạn cuối năm nay có thể giảm nhẹ so với cùng kỳ các năm trước do được hỗ trợ từ NHNN trong việc duy trì điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thị trường ngoại hối kỳ vọng duy trì ổn định và các ngân hàng tiếp tục chú trọng đảm bảo những chỉ số an toàn hoạt động.