Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng 3 tháng và dự kiến sẽ tiến hành thêm một số đợt nữa trong năm nay và năm tới. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam?
Diễn biến của đồng USD luôn tác động trực tiếp tới tỷ giá, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, với 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ, nhưng trọng lượng của đồng USD vẫn là lớn nhất.
Thời gian qua, dù thị trường tiền tệ Mỹ có nhiều biến động, đặc biệt là việc Fed nâng lãi suất, song tỷ giá trong nước không có nhiều biến động vì trước đó, thị trường đã dự báo trước việc Fed thắt chặt tiền tệ và đã có động thái điều chỉnh tỷ giá. Điều này đúng với Việt Nam và nhiều đồng tiền khác.
Tuy nhiên, việc Mỹ điều chỉnh lãi suất nhiều lần trong năm nay và năm tới sẽ làm tăng giá trị USD. Khi đó, theo diễn biến thông thường, điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới tỷ giá của Việt Nam.
Không riêng tỷ giá, chính sách tiền tệ của Mỹ còn tác động mạnh đến lãi suất trong nước. Lãi suất USD tăng lên trong khi Việt Nam vẫn áp dụng lãi suất USD bằng 0 cho tiền gửi, dĩ nhiên có thể tạo ra sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài, tới thị trường có lãi suất cao hơn, từ đó tạo sức ép lên tỷ giá, khi nhu cầu mua USD trong nước tăng lên.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Bên cạnh đó, nếu muốn giữ chân dòng vốn không chuyển dịch ra nước ngoài, lãi suất đồng USD trong nước có thể cũng phải được điều chỉnh tăng. Điều này sẽ tác động lên lãi suất VND, vì chênh lệch giữa lãi suất VND và USD càng lớn thì sự chuyển dịch từ VND sang USD càng giảm.
Chưa kể, chính sách tiền tệ Mỹ cũng ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, cũng như các quốc gia khác.
Bởi Việt Nam giữ tỷ giá ổn định, trong khi giá trị của USD tăng, đồng nghĩa là VND cũng lên giá. Điều này sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác trở nên đắt đỏ hơn. Quả thật, chính sách tiền tệ của Mỹ không chỉ tác động lên thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế khác của nền kinh tế đất nước.
Thời gian qua, thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động do các chủ trương mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là đường lối bảo hộ mậu dịch. Những chính sách theo hướng này nếu được ban hành sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?
Chính phủ của Tổng thống Trump mới cầm quyền được 4 tháng, các thị trường toàn cầu vẫn đang trông đợi những chính sách vĩ mô cụ thể trong tương lai của bộ máy điều hành này. Với tuyên ngôn “America First” (“Nước Mỹ trước tiên”, không phải “Nước Mỹ trên hết” như nhiều báo chí Việt Nam dịch) của Chính phủ Trump, những chính sách về thương mại nhiều khả năng sẽ đi theo xu hướng bảo hộ thị trường nội địa cực đoan.
Đặc biệt, nước Mỹ có thể sẽ xem xét lại các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi tỷ trọng xuất khẩu/GDP của Việt Nam lên tới 60%, nên việc Mỹ thắt chặt thị trường không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, mà còn tác động tới phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, ngoài chính sách tiền tệ, lãi suất thì chính sách ngoại thương của Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh tác động đến tỷ giá, lãi suất, ngoại thương, chính sách tiền tệ của Mỹ còn có những tác động nào nữa, thưa ông?
Những biến động trong chính sách tiền tệ của Mỹ còn có thể tác động trực tiếp đến thị trường đầu tư tại Việt Nam.
Việc lãi suất USD tiếp tục tăng, giá trị USD đi lên có khả năng khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm sự hấp dẫn, bởi các thị trường tài chính trên thế giới đang trả lãi suất cho các ký thác bằng USD, còn tại Việt Nam, tiền gửi USD vẫn không được hưởng lãi suất.
Chưa kể, thị trường đầu tư của Việt Nam được xem là thị trường mới nổi hoặc cận biên với độ rủi ro cao.
Lãi suất USD tăng lên trong khi Việt Nam vẫn áp dụng lãi suất USD bằng 0 cho tiền gửi có thể tạo ra sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài
Một điều cần chú ý nữa là kiều hối cũng đang trong xu hướng giảm kể từ năm 2016 và nhiều khả năng sẽ đi xuống thêm trong năm nay nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất và tiền gửi USD ở các quốc gia khác được hưởng lãi suất ngày càng cao. Năm 2016, lượng kiều hối về Việt Nam đã giảm khoảng 25%, xuống mức thấp hơn nhiều so với năm 2015.
Ngoài câu chuyện về đồng USD, mới đây Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã khuyến cáo cần lưu ý đến diễn biến của đồng nhân dân tệ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và nước ta đang nhập siêu rất lớn từ Đại lục. Vì vậy biến động của đồng nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.
Trong 2 năm qua, nhân dân tệ mất giá rất mạnh, tạo áp lực lên VND. Còn nhớ năm 2015, khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải tiến hành điều chỉnh tỷ giá để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những lần nhân dân tệ mất giá tiếp theo, Việt Nam không điều chỉnh.
Đơn cử trong năm 2016, nhân dân tệ giảm giá khá mạnh, tính đến cuối năm đã mất giá khoảng 6,5% so với USD. Thế nhưng tỷ giá trong nước vẫn khá ổn định, tính chung trong năm qua VND chỉ giảm giá khoảng 1% so với USD. Điều này có nghĩa VND đã tăng giá so với nhân dân tệ, từ đó ảnh hưởng bất lợi đến việc xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời khuyến khích nhập khẩu từ Đại lục.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ có xu hướng tăng giá so với USD, cụ thể đã tăng từ mức 6,94 nhân dân tệ/USD lên 6,88 nhân dân tệ/USD, phần nào làm nhẹ đi áp lực với VND.
Mặc dù vậy, nhiều dự báo cho thấy, nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm giá thêm 5 - 7% so với USD trong năm nay. Nếu điều này xảy ra thì áp lực phá giá VND là rất lớn.
Theo ông, nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thì chính sách tỷ giá của Việt Nam nên đi theo hướng nào?
Hiện tại, rất khó nhận định nhân dân tệ sẽ đi theo hướng nào. Như đã đề cập ở trên, việc nhân dân tệ tương đối tăng giá so với USD có thể do Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc, khi cho rằng quốc này này đã hạ giá đồng nội tệ, tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ, theo tuyên bố của Tổng thống Trump.
Diễn biến tăng giá của nhân dân tệ sẽ phần nào “hạ nhiệt” mối quan hệ ngoại thương giữa 2 nước, tránh viễn cảnh “chiến tranh tiền tệ”.
Trong trường hợp này, dĩ nhiên áp lực với VND cũng giảm bớt. Dẫu sao, chính sách tỷ giá của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá VND hơn là chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
Riêng về lãi suất, tương quan của nhân dân tệ với VND không mạnh như VND với USD. Nếu lãi suất USD tăng thì lãi suất VND sẽ chịu áp lực, nhưng với nhân dân tệ, việc Trung Quốc tăng hay giảm lãi suất không ảnh hưởng đến VND.
Nền tài chính Việt Nam sẽ đi về đâu trong thế chân vạc kinh tế “Việt - Mỹ - Trung”, thưa ông?
Việt Nam chịu tác động bởi chính sách tiền tệ của 2 quốc gia có quan hệ mậu dịch lớn nhất là Mỹ cho thị trường xuất khẩu và Trung Quốc cho thị trường nhập khẩu. Theo đó, chính sách lãi suất của Mỹ có tác động mạnh đến tỷ giá, lãi suất, ngoại thương và đầu tư của Việt Nam, trong khi chính sách tỷ giá của Trung Quốc có tác động trực tiếp ít nhất đến tỷ giá và ngoại thương.
Quan hệ trong thế chân vạc kinh tế “Việt - Mỹ - Trung” ngày càng trở nên phức tạp hơn khi mối liên kết thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng khá bất ổn. Tổng thống Trump đã từng nhiều lần cho rằng, Trung Quốc dùng chính sách đồng nhân dân tệ rẻ để trục lợi trong ngoại thương với Mỹ và gọi Trung Quốc là “Currency Manipulator” (Kẻ lũng đoạn tiền tệ), đồng thời đe dọa hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng cân nhắc một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nếu Hoa Kỳ áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch cực đoan. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình mới đây cho thấy, đường lối của 2 bên dường như hòa hoãn hơn vì cả 2 đều cần đến nhau và không bên nào có lợi nếu đối đầu. Việt Nam sẽ ở đâu trong mối quan hệ thương mại và mậu dịch Việt - Mỹ - Trung là điều khó lượng đoán tại thời điểm này.