Chỉ số Bloomberg Asia Dollar đã tăng 0,4% trong tuần này và là mức tăng lớn nhất được ghi nhận kể từ đầu tháng 3. Trong đó, yếu tố thúc đẩy đà hồi phục là do nghi ngờ có sự can thiệp tiền tệ từ các ngân hàng trung ương trong khu vực. Những tín hiệu ít diều hâu hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này cũng góp phần hỗ trợ các loại tiền tệ trong khu vực.
Theo Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho, những người tham gia thị trường đang mua lại các đồng tiền châu Á trong khi các đồng tiền trong khu vực cũng được hỗ trợ bởi vị thế mua USD/JPY đang giảm dần.
Chỉ số Bloomberg Asia Dollar |
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra rằng, Fed có thể sẽ tiếp tục chế độ “chờ và xem” ngay cả với một báo cáo việc làm mạnh mẽ khác của Mỹ, và “rủi ro của đồng đô la đang nghiêng về phía giảm giá”.
Động thái này diễn ra sau khi các đồng tiền châu Á sụt giảm so với đồng đô la trong năm nay, do nền kinh tế Mỹ kiên cường đã giữ cho đồng bạc xanh mạnh bằng cách đẩy lùi kỳ vọng về cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Trong đó, đồng yên đã vượt trội so với tất cả các loại tiền tệ của châu Á và G10 trong tuần này, trong bối cảnh có khả năng có sự can thiệp khoảng 23 tỷ USD từ các nhà chức trách Nhật Bản được ước tính dựa trên số liệu tài khoản vãng lai từ ngân hàng trung ương.
Điều này xuất phát từ nhiều biện pháp can thiệp khác nhau từ các nhà hoạch định chính sách châu Á kể từ tháng 4 sau những dấu hiệu về lập trường giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn của Fed.
Ngân hàng trung ương Indonesia trước đó đã gây ngạc nhiên cho thị trường bằng cách tăng lãi suất để bảo vệ đồng rupiah vào cuối tháng 4, trong khi các nhà hoạch định chính sách từ Hàn Quốc, Nhật Bản đều báo hiệu về các biện pháp để bảo vệ đồng nội tệ.
Đồng won Hàn Quốc đã hồi phục trở lại sau khi giảm xuống 1.400 won mỗi đô la vào giữa tháng 4, mức thấp nhất trong hơn một năm. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm thứ Sáu (3/5) cũng báo hiệu khả năng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất để bảo vệ tiền tệ.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed đã hạ thấp khả năng tăng lãi suất trong quyết định chính sách trong tuần này cũng góp phần thúc đẩy tiền tệ châu Á.
Fiona Lim, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Malayan Banking Bhd cho biết: “Nỗi sợ đồng đô la Mỹ tăng cao và lãi suất kéo dài hơn là ‘gót chân Achilles’ của thị trường ngoại hối châu Á…Sự phục hồi hiện tại của đồng yên và đồng nhân dân tệ có thể thúc đẩy thị trường ngoại hối khu vực giống như cách trước đây bởi những ảnh hưởng của lãi suất cao hơn ở Mỹ”.