Tiến sỹ Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT AAS: “Tăng lãi suất chỉ mang tính thời điểm, không phải là xu hướng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm tăng chỉ mang tính chất thời điểm, không phải là xu hướng tác động xấu đến thị trường chứng khoán, Tiến sỹ Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest (AAS) đánh giá.
Tiến sỹ Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT AAS: “Tăng lãi suất chỉ mang tính thời điểm, không phải là xu hướng"

Việc lãi suất tiết kiệm tăng trong tuần trước khiến nhà đầu tư e ngại, tăng lãi suất sẽ trở thành một xu hướng mạnh dưới áp lực lạm phát cao, tác động xấu đến thị trường chứng khoán. Theo ông, đây có phải tín hiệu cảnh báo lạm phát sẽ tăng cao như không ít ý kiến lo ngại?

Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng đã tăng lên mức 7 đến 8%/năm. Như chúng ta thường thấy, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiền mặt rút ra thường lớn, dẫn đến hiện tượng ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để thu hút huy động đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ở hầu hết các ngân hàng, nhất là ngân hàng lớn theo ghi nhận của chúng tôi vẫn duy trì ở mức 5 - 6%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát tín hiệu tăng lãi suất.

Vì vậy theo tôi, lãi suất tiết kiệm tăng chỉ mang tính chất thời điểm và không phổ biến, không phải là xu hướng.

Vì sao tăng lãi suất không phải là xu hướng?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam tăng, nguyên nhân chính là giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và các địa phương dần trở lại với trạng thái bình thường mới khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước. Lũy kế sau 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%. Như vậy, mối lo lạm phát trong nước là không có căn cứ tại thời điểm hiện tại.

Tại Mỹ, CPI tháng 10/2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ làm bùng lên nỗi lo lạm phát, tác động tạo ra kỳ vọng lạm phát tăng lan sang các nước trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, CPI ở Mỹ tăng cũng như một số nước châu Âu không phải do cung tiền lớn (lạm phát do cầu kéo) mà bản chất là do hiện tượng khan hiếm hàng hoá do đình trệ sản xuất cũng như khó khăn trong việc lưu thông hàng hoá (lạm phát do cung đẩy).

Hiện tượng CPI tăng do cung đẩy không thể kéo theo thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất. Vì vậy, nguy cơ thắt chặt và tăng lãi suất ở Việt Nam trong năm tới là không thể và không có căn cứ. Dịch bệnh và cách ly xã hội kéo dài, nên việc bung các gói hỗ trợ, hạ lãi suất là xu hướng tất yếu để kích thích sản xuất cũng như kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán trong năm 2022 khi nhiều nhà đầu tư đang rất phân vân với định giá không đắt cũng không rẻ hiện nay và muốn bán ra vào cuối năm khi lo ngại nguồn tiền vay bị thu hồi về?

Sự vận động của thị trường chứng khoán lúc nào cũng vậy, tăng nóng phải có điều chỉnh. Việc điều chỉnh của thị trường vừa qua là điều tốt, giúp thị trường cân bằng hơn. Quan trọng là dòng tiền không có lý do và hiện tượng rút ra khỏi thị trường, khi duy trì thanh khoản rất tốt.

Số lượng tài khoản mở mới trong riêng tháng 11/2021 đã bằng cả năm 2019 với hơn 200 nghìn tài khoản. Theo quan điểm của chúng tôi, xu hướng thị trường trong năm 2022 vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng tốt, tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng cũng không thể tránh khỏi những giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn.

Một trong những nguyên cho nhận định tăng trưởng này là lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp, kèm theo đó là gói kích cầu sẽ được thông qua thời gian tới sẽ tác động tốt đến cả tâm lý lẫn nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán của đại bộ phận tiền nhàn rỗi.

Trong năm 2022, kỳ vọng tăng trưởng của nhiều nhóm ngành sẽ rất lớn, cụ thể là doanh nghiệp đầu tư công, doanh nghiệp xây lắp bất động sản, kéo theo đó là ngành vật liệu xây dựng. Đặc biệt, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán sẽ hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Yếu tố rủi ro có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2022 và sang năm 2023 khi có tác dụng phụ của gói kích cầu gây ra lạm phát do cầu kéo và có thể tạo ra nguy cơ bong bóng tài sản cũng như nguy cơ điều chỉnh sâu của những tài sản đầu cơ và tài sản được cho là có tính rủi ro cao.

Nhiều nhà đầu tư mới (F0) đã bị cuốn theo dòng tiền đầu cơ, ham lựa chọn cơ hội sinh lời có tính rủi ro cao. Là đơn vị tư vấn môi giới chứng khoán ông có chia sẻ gì với các F0?

Việc đầu tư theo tin đồn, truyền miệng và theo phân tích kỹ thuật đơn thuần mà không chú ý đến yếu tố cốt lõi, cơ bản của doanh nghiệp đã và đang mang tới những bài học không mới cho nhà đầu tư trên thị trường.

Việc mua bán cổ phiếu theo xu hướng và mang tính đầu cơ với hy vọng lãi nhanh dẫn đến lòng tham với cổ phiếu tăng giá mà thiếu yếu tố cơ bản hỗ trợ cũng sẽ dẫn tới rủi ro sụt giảm mạnh và mất thanh khoản của nhóm cổ phiếu này.

Nhà đầu tư mới (F0) cần phải tìm hiểu những bài học kinh nghiệm trong những năm qua, bổ sung đủ kiến thức trước khi tham gia vào thị trường. Nhà đầu tư nên chú ý, yếu tố cơ bản của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi, và yếu tố phân tích kỹ thuật sẽ cho biết thời điểm mua và bán hợp lý. Vì vậy, việc lựa chọn doanh nghiệp và cổ phiếu đầu tư cần phải kết hợp phân tích cả 2 yếu tố trên.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục