Tiền rẻ hay tiền dễ đều khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa thể coi nền kinh tế Việt Nam đã có tiền rẻ (cheap money) và tiền cũng không dễ vay nên thị trường đang muốn có tiền dễ (easy money).
Lãi suất thấp sẽ tạo ra tiền rẻ, nhưng cần kiểm soát được rủi ro tín dụng và hướng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ảnh: Dũng Minh Lãi suất thấp sẽ tạo ra tiền rẻ, nhưng cần kiểm soát được rủi ro tín dụng và hướng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ảnh: Dũng Minh

Không phải cứ tiền rẻ là tốt

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, hiện tại chưa thể coi là nền kinh tế Việt Nam đã có tiền rẻ. Tiền chỉ được coi là rẻ khi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cao so với đồng vốn đi vay, hay nói cách khác là doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp để hoạt động kinh doanh và thu được lợi nhuận cao. Lãi suất ở Việt Nam vẫn còn cao, nhưng nếu có hạ thấp hơn nữa cũng chưa chắc đồng nghĩa với tiền rẻ.

“Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, thể hiện nền kinh tế thực đang khó khăn và hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa đủ sinh lời tốt hơn mức lãi suất hiện nay. Nhưng thời điểm hiện tại, điều quan trọng hơn cả không chỉ chính sách tiền tệ điều chỉnh lãi suất hạ, mà rất cần có sự song hành đến từ nền kinh tế thực là thị trường hàng hóa, dịch vụ sôi động trở lại”, ông Nguyễn Bá Hùng nói.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng từ đầu năm 2023 đến nay ở mức thấp. Tính đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm nay (7 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4%) và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu là do ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, kinh tế Việt Nam giảm tốc trong hai quý đầu năm, với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,7%, đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, thị trường bất động sản vốn thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm khi số lượng giao dịch giảm 40%, số lượng dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: “Thời kỳ tiền rẻ thường đưa đến những hoạt động kinh tế sôi động. Vấn đề ở đây là thị trường, là nền kinh tế liệu có khởi sắc không trong bối cảnh phụ thuộc quá nhiều biến số bất trắc bên ngoài và cầu trong nước yếu. Không phải cứ tiền rẻ là tốt”.

Doanh nghiệp muốn có tiền dễ

Giám đốc một công ty phân tích dữ liệu cho rằng, lãi suất thấp tạo tiền rẻ và nếu cứ ép hạ lãi suất rồi “bơm” mạnh tín dụng mà không có sự chọn lọc thì dòng tiền sẽ chuyển sang lĩnh vực đầu cơ. Bởi lẽ, đơn hàng của doanh nghiệp giảm dẫn đến dừng đầu tư thì vay tiền lãi suất thấp để làm gì?

“Cố ép tăng trưởng tín dụng có thể đạt được con số như mong muốn, nhưng nhiều khả năng tiền sẽ chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản… và 2 - 3 năm tới phải xử lý những hệ luỵ. Nhưng quan sát của tôi cho thấy, hiện thị trường muốn có tiền dễ trước”, vị giám đốc công ty phân tích dữ liệu nói.

Về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang có ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vì quan ngại sẽ gây khó khăn cho thị trường bất động sản sau khi có hiệu lực từ 1/9/2023.

Thực tế, Thông tư 06/2023/TT-NHNN không có quy định nào cấm tổ chức tín dụng cho vay để thực hiện dự án bất động sản, nhưng nhiều ngân hàng thương mại từ chối cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn vì lo ngại rủi ro.

“Vấn đề mấu chốt ở đây là không đàm phán được với các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gây sức ép với cơ quan quản lý, với mong muốn hạ tiêu chí cho vay để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”, vị chuyên gia kinh tế nhận định.

Nền kinh tế thực đang khó khăn và hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa đủ sinh lời tốt hơn mức lãi suất vay vốn hiện nay.

Trong diễn biến có liên quan, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo, các biện pháp như cắt giảm lãi suất, nới lỏng hạn chế về thanh khoản, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và nhóm nợ giúp xử lý những khó khăn trên thị trường tín dụng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi, làm dấy lên quan ngại về bất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.

“Trong trung hạn, cải cách cơ cấu có vai trò hết sức quan trọng để xử lý những rủi ro tài chính phát sinh và định vị để khu vực này phát triển bền vững. Tăng cường hệ số an toàn vốn ngân hàng là cách để đảm bảo đủ vốn nhằm hấp thụ khoản thua lỗ có thể xảy ra, đồng thời duy trì ổn định khi phải đối mặt với các cú sốc kinh tế”, bà Dorsati Madani nói.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời tiếp cận nguồn vốn vay mới nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu là điều cần lưu ý.

Thống kê của bà Hiền cho thấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành cuối quý II/2023 là 2,1%, tăng 0,4% so với quý I/2023 và tăng 0,7% so với cuối năm 2022. Đây là mức NPL cao nhất kể từ quý I/2022. Hầu hết ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ NPL cuối quý II/2023 tăng so với đầu năm nay.

“Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có mức tăng NPL thấp hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Trung bình, 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có NPL cuối quý II/2023 tăng 0,2% so với đầu năm nay, con số này của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 0,6%. Đáng chú ý, nợ xấu nhóm 2 toàn ngành tăng 0,9% so với cuối năm 2022, lên mức 2,5% vào cuối quý II/2023”, bà Hiền cho biết.

“Một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nên xu hướng nợ nhóm 2 tăng có thể tiếp tục diễn ra trong các quý tới”, bà Hiền dự báo.

Nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, các ngân hàng dù rất muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn thận trọng khi cho vay, không hạ chuẩn tín dụng.

Theo kết quả cuộc điều tra về xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, trong bối cảnh mặt bằng rủi ro tín dụng được các tổ chức tín dụng đánh giá là tăng nhanh hơn so với kỳ điều tra liền trước và cùng kỳ năm trước, các tổ chức tín dụng có xu hướng giữ nguyên hoặc thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023 so với năm 2022.

Các tổ chức tín dụng nhận định, mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể trong quý II/2023 tăng nhanh hơn so với quý I, với 34,2% tổ chức tín dụng cho rằng mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể đang ở mức cao và 48,2% tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro khách hàng sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục