Hòa chung niềm vui đất nước
Gần như cùng thời điểm đất nước đón những tin mừng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong một “năm Covid-19” đầy khó khăn, thách thức, ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng long trọng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống (31/12/1945-31/12/2020).
Niềm vui như được nhân đôi, bởi trong thành tựu chung đó, trong niềm vui chung đó của đất nước có đóng góp không nhỏ của ngành Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp cho Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, khi nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020, thuộc diện cao nhất thế giới; hay con số quy mô nền kinh tế tăng lên 40 lần so với năm 1990, đạt khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020; đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần…, cả hội trường Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô vang lên tiếng vỗ tay không ngớt.
“Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có được điều đó là nhờ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng đồng thời cũng có vai trò quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư”, người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy.
Ôn lại truyền thống 75 năm vẻ vang của toàn ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng, 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Vì những đóng góp to lớn đó, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phần thưởng cao quý này chính là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp to lớn của toàn ngành đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp, trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình.
Xứng đáng là “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế
Có 3 nhiệm vụ chính trị then chốt, xuyên suốt cả chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới. Đó là thực hiện tốt chức năng cơ bản của ngành là quản lý nhà nước về công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trọng trách mà ngay từ 75 năm trước, khi ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó.
Kể từ đó đến nay, đã có 3 chiến lược 10 năm và 10 kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội đã được ngành Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành. Đặc biệt, như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong nhiều kỳ Đại hội Đảng, bao gồm cả Đại hội Đảng lần thứ XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 25/1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đóng vai trò là cơ quan thường trực của Tổ biên tập thuộc Tiểu ban kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng. Ở kỳ Đại hội này, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ tư, giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11, giai đoạn 2021-2025 cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
“Các văn kiện này sẽ trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ở các nhiệm vụ then chốt khác, như thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng và Nhà nước về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện vai trò “tổng tham mưu trưởng”, chủ trì, điều phối, tham vấn các giải pháp, chính sách trong điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các biến động của bối cảnh trong nước và quốc tế, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dù ở thời điểm đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới 1986, hay trong giai đoạn hội nhập sâu rộng sau này, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua và trong năm 2020 đầy khó khăn, vai trò quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn được khẳng định. Đó là tiên phong đổi mới, sáng tạo và đầy bản lĩnh, trí tuệ trong đề xuất các đường hướng chiến lược phát triển đất nước, với tầm nhìn sâu rộng, gần đây nhất là chiến lược để tận dụng cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
“Trong mỗi bước ngoặt phát triển của Việt Nam đều có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, bà Victoria Kwakwa, nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, người đã có nhiều năm gắn bó với tiến trình đổi mới và phát triển của Việt Nam đã đánh giá như vậy.
“Đơn đặt hàng” của Thủ tướng
Đánh giá cao những đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư, thậm chí đã chỉ ra 6 thành tựu quan trọng của toàn ngành trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, song dường như người đứng đầu Chính phủ đang đặt nhiều kỳ vọng hơn vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng khó khăn, thách thức là không nhỏ, bao gồm cả sự bất định của bối cảnh thế giới, nhất là đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị; cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm thách thức bị bỏ lại phía sau; nguy cơ tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình; chênh lệch giàu nghèo…
Các mục tiêu cụ thể cũng được đặt ra cho các năm 2025, 2030 và 2045, những dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Đặc biệt, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, cũng là 100 năm xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Bộ nào sẽ tham mưu cho Chính phủ đạt được các mục tiêu đó, nếu không phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong tiếng vỗ tay vang dội ở Hội trường.
Nhấn mạnh vai trò đó, Thủ tướng cũng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Làm sao để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, biến đổi mới sáng tạo thành tài nguyên mới để phát triển nhanh và bền vững? Làm sao thoát bẫy thu nhập trung bình? Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau? Làm sao để tận dụng được cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại? Làm sao để giàu được trước khi già, chứ không phải là già trước khi giàu?...
Rất nhiều những câu hỏi như thế đã được đặt ra và đó chính là “đơn đặt hàng” của Thủ tướng với toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư. Đó cũng chính là nhiệm vụ nặng nề, nhưng vẻ vang của toàn ngành trong giai đoạn tới, để làm sao đất nước thật sự tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm, làm sao để tăng tốc và phát triển.
Nhận rõ những trọng trách đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, từng cán bộ ngành kế hoạch phải duy trì được bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Với tất cả ý nghĩa đó, Bộ trưởng cũng đã đề nghị phương châm hành động chung toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn tới là “Phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021 - 2025”.