Cụ thể, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 380.291 tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm.
Tuy nhiên, tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm nay. Trong đó, tính riêng trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó.
Cụ thể, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng. Trong khi vào tháng 8/2021, con số này chỉ ghi nhận giảm 986 tỷ đồng.
Còn ở diễn biến tích cực hơn, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng trở lại trong tháng 8/2021 (tăng 59.148 tỷ đồng) và tháng 9/2021 (tăng 113.858 tỷ đồng), sau khi giảm 25.906 tỷ đồng vào tháng 7/2021.
Từ báo cáo tài chính quý III/2021 cũng cho thấy, có 6 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi gồm: Saigonbank (-1,2%), ABBank (-7,5%), NCB (-3,6%), SeABank (-2,5%), PGBank (- 6,7%).
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức rất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản lại thu hút tiền nhàn rỗi.
Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, so với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1 - 1,5%/năm, khiến huy động vốn của hệ thống có xu hướng giảm, dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Vì thế, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư tài sản khác, có thể dẫn đến bất ổn.
Trong khi, các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó, vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, nhất là trước áp lực lạm phát có thể tăng trong thời gian tới.
Thông tin từ NHNN cho biết, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%).