Tiền Giang thu hồi Dự án Nhà máy giấy Đại Dương: Hết cơ hội đầu tư sản xuất giấy?

Lo ngại những tác động tiêu cực đến môi trường, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã thu hồi giấy phép đầu tư Dự án Nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan). Câu hỏi đặt ra là tới đây, các dự án sản xuất trong lĩnh vực này có được tiếp tục cấp phép?
Phối cảnh Dự án Nhà máy giấy Đại Dương vừa bị thu hồi do tỉnh Tiền Giang lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường có thể xảy ra. Phối cảnh Dự án Nhà máy giấy Đại Dương vừa bị thu hồi do tỉnh Tiền Giang lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường có thể xảy ra.

Lo ngại ô nhiễm môi trường

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang xác nhận, địa phương này đã thu hồi giấy phép đầu tư Dự án Nhà máy giấy Đại Dương của Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan) tại Khu công nghiệp Long Giang (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang). Lý do được đưa ra là chính quyền tỉnh lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường có thể xảy ra khi nhà máy đi vào sản xuất.

Dự án Nhà máy giấy Đại Dương được cấp phép hồi tháng 3/2016, chuyên sản xuất các loại giấy duplex, giấy kraft, giấy gia dụng…, với tổng vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD. Dự kiến, Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 227.530 m2, công suất hơn 400.000 tấn sản phẩm/năm. Theo kế hoạch mà chủ đầu tư đưa ra, Dự án sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8/2017.

Sau khi được cấp phép đầu tư, dự án này đã gặp phải sự phản đối từ các chuyên gia và người dân địa phương do lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo ông Lê Trình, Phó chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, Dự án có nguy cơ ảnh hưởng môi trường rất cao, bởi có lượng nước xả thải rất lớn (khoảng 5.000 m3/ngày đêm) và có thể cao hơn khi tăng công suất. 

Điều quan trọng nhất của việc có cấp phép cho Dự án giấy hay không là nhà đầu tư cam kết và sử dụng công nghệ thế nào.   

Quan trọng hơn, nước thải sau quy trình sản xuất giấy chứa thành phần rất nguy hại đối với sức khỏe, cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, các thành phần chất rắn lơ lửng, độ đục và các chất hữu cơ… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nhất là nếu xảy ra sự cố, nước thải sẽ chuyển về lưu vực sông Tiền, là nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy sản và du lịch của hàng triệu dân tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước cho biết, nhiều hộ dân đã phản ánh và không đồng tình với việc xây nhà máy giấy. Theo đó, nhà máy này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sinh kế của họ, đặc biệt là môi trường nước, khi hệ thống kênh rạch hẹp, thủy triều lên xuống chậm khiến việc rút chất xả thải không hết, gây tồn dư chất hóa học…

Ngoài ra, mới đây, ở gần khu vực này, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 35 ha, nên việc xây nhà máy giấy được cho là sẽ ít nhiều tác động đến các dự án nông nghiệp.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Liêm cho biết, tới đây, Tiền Giang sẽ kêu gọi đầu tư thay thế dự án nhà máy giấy bằng các dự án khác mang tính bền vững hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án giấy có được cấp phép?

Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Giang là chủ đầu tư hạ tầng của khu công nghiệp nơi Công ty Đại Dương dự kiến đầu tư nhà máy giấy và được biết, người của Công ty Đại Dương hiện không có mặt tại Việt Nam, số điện thoại đăng ký của Công ty cũng đã bị khóa. Do đó, chưa thể biết được là trong thời gian tới, doanh nghiệp giấy đến từ Đài Loan này có tìm địa điểm khác để đầu tư hay sẽ quyết định dừng đầu tư tại Việt Nam.

Vấn đề được quan tâm là, trong bối cảnh nhiều địa phương có xu hướng “từ chối” dự án giấy do quan ngại việc sản xuất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thì liệu tới đây các dự án lĩnh vực này có được cấp phép?

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Ngọc Bảo, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, dư địa phát triển của thị trường giấy tại Việt Nam còn lớn, nên các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư dự án có quy mô lớn nhiều khả năng sẽ đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI khác hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục đến tìm cơ hội tại Việt Nam. 

Cũng theo ông Bảo, không nên quá quan ngại chuyện các dự án sản xuất giấy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trên thế giới, nhiều nước phát triển hơn Việt Nam vẫn cấp phép cho các dự án sản xuất giấy. Việc đầu tư hay không là do thị trường quyết định. Điều quan trọng nhất của việc có cấp phép cho dự án giấy hay không là nhà đầu tư cam kết và sử dụng công nghệ thế nào. Đây là việc của cơ quan quản lý.

Họ phải xem xét, thẩm định kỹ càng công nghệ mà doanh nghiệp sẽ làm, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải cụ thể, chi tiết. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện này, thì không có lý do gì để không cấp phép đầu tư dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây chưa lâu, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, Dự án sản xuất giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương (Đài Loan) chuẩn bị đưa vào hoạt động giai đoạn I, với công suất 350.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án này được cấp phép cuối năm 2015, có tổng vốn đầu tư đăng ký là 1 tỷ USD, xây dựng trên diện tích 75 ha, công suất 1 triệu tấn giấy công nghiệp/năm và 50.000 tấn giấy tiêu dùng/năm.

Cũng theo ông Trí, dù chưa chính thức đi vào sản xuất, song doanh nghiệp này đã đến tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đầu tư mở rộng sản xuất.

“Họ đã đến hỏi nhiều lần và khá sốt sắng về chuyện này. Do đây là một dự án FDI có quy mô vốn lớn, nên việc có đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng hay không còn chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền. Các trình tự thủ tục sẽ được thực hiện đúng theo quy định hiện hành và đảm bảo quyền, lợi ích của nhà đầu tư”, ông Trí thông tin.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục