Yếu tố cơ bản: Tiền vẫn tìm đến tài sản an toàn
VN-Index trong tuần qua không có nhiều sự thay đổi về mặt điểm số trong bối cảnh thị trường quốc tế có những diễn biến tích cực. Ðây là sự xác nhận rõ ràng nhất về sự suy yếu về quán tính giá của VN-Index so với những chỉ số chứng khoán lớn như DowJones hay Nikkei 225…
Nếu thị trường chứng khoán quốc tế có chuyển biến tiêu cực thì nhiều khả năng VN-Index không thể tránh khỏi xu hướng giảm, thậm chí với mức độ lớn hơn mặt bằng chung.
vn30-index nằm trong nhóm chỉ số có sự nhạy cảm cao.
Về giao dịch của khối ngoại, xu hướng bán ròng được duy trì đều đặn, thậm chí mức độ còn tăng lên trong những phiên gần đây.
Nhìn chung, giới đầu tư quốc tế vẫn có xu hướng nắm giữ các tài sản an toàn như vàng hay tiền mặt (đồng đô-la) trong bối cảnh các biến số rủi ro vẫn còn lớn như hiện nay. Những tài sản rủi ro cao như chứng khoán, đặc biệt là tại các thị trường kém phát triển, sẽ là ưu tiên thoái vốn của dòng tiền đầu cơ.
Yếu tố kỹ thuật: Không quá xấu, nhưng đang yếu dần
Diễn biến thị trường chung không có nhiều thay đổi sau 3 phiên giao dịch của tuần qua, giá đi theo trạng thái sideway-up, tức đi lên chậm dần và vẫn chưa gãy hoàn toàn xu hướng hồi phục được duy trì suốt 1 tháng qua.
Độ lệch giữa phái sinh và cơ sở bị kéo giãn hơn 15 điểm.
Ðộ lệch giữa phái sinh và cơ sở có sự phân kỳ rất đáng chú ý: Trong khi diễn biến giá của các chỉ số liên tục rung lắc, nhưng độ lệch được cải thiện dần, từ mức âm gần 30 điểm chỉ còn âm gần 13 điểm ở thời điểm này.
Nhìn chung, góc nhìn kỹ thuật tiếp tục trung lập trong ngắn hạn, giá có thể tăng tiếp nhưng dư địa còn rất mỏng, còn xu hướng trung - dài hạn vẫn là giảm.
Bên mua suy yếu nhanh nhưng vẫn giữ thế chủ động.
Ðường cầu có tốc độ giảm nhanh và mạnh hơn so với đường cung. Ðây là điều dễ hiểu khi bên mua không còn dễ dàng chấp nhận việc mua đuổi ở vùng giá nhạy cảm như hiện tại. Ðiểm tích cực là đường cầu vẫn duy trì trạng thái cao hơn đường cung, phản ánh sự chủ động của xu hướng hiện tại vẫn nằm ở phía người mua.
ĐÀ lan tỏa hạ nhiệt cần thiết.
Ðà lan tỏa có tín hiệu giao cắt xuống đường trung bình 10 phiên (MA10), tín hiệu phản ánh sự suy yếu về sự lan tỏa của dòng tiền, nhưng đây cũng được xem là sự hạ nhiệt cần thiết. Sự nguy hiểm cao hơn chỉ được xác nhận khi đà lan tỏa có tín hiệu tạo mẫu hình 2 đỉnh hoặc phân kỳ âm so với diễn biến của chỉ số chung. Hiện tại, tín hiệu này chưa xuất hiện, nên mức độ nguy hiểm chưa quá lớn.
Thị trường chung vẫn chứng kiến sự phân hóa ở các nhóm ngành trong thời gian trước - là rào cản lớn cho khả năng tiếp tục tăng. Cụ thể, dòng tiền chủ yếu đang vận động ở nhóm bất động sản và thực phẩm đồ uống, đây là những nhóm dẫn dắt chính cho sóng tăng của VN30 trong suốt 1 tháng qua.
Dòng tiền đầu cơ có sự xoay vòng sang nhóm ngân hàng.
Tuy vậy, điểm sáng là dòng tiền đầu cơ đã có sự xoay chuyển kịp thời sang nhóm ngân hàng. Sự xoay vòng này là chất xúc tác quan trọng cho khả năng tiếp tục duy trì được đà hồi phục của VN30 trong ngắn hạn.
Khuyến nghị: Bám đà đi lên trong ngắn hạn, canh bán trong trung - dài hạn
Xu hướng hồi phục tuy còn được duy trì, nhưng ngày một yếu dần. Thị trường đang cho thấy nhiều tín hiệu cảnh báo hơn, tình trạng phân kỳ âm đã xuất hiện giữa diễn biến của chỉ số VN30 và các chỉ số chứng khoán lớn khác trên thế giới.
Theo đó, tình trạng bám theo xu hướng để tiếp tục đi lên có thể tiếp diễn trong ngắn hạn, khi dòng tiền đầu cơ còn có khả năng neo được ở các cổ phiếu trụ, đặc biệt là sự xoay vòng cần thiết sang nhóm ngân hàng, nhưng tính bền vững không cao, nhất là khi thị trường quốc tế không có diễn biến thực sự thuận lợi.
VN30F1910 có vùng hỗ trợ gần nhất quanh 690 điểm.
Bởi vậy, chiến lược Mua (Long) vẫn có thể được áp dụng để tận dụng đà tăng đang có, nhưng cần đặc biệt cẩn trọng trong những phiên mua đuổi vì dư địa không còn nhiều, vùng hỗ trợ từ khu vực 690-700 điểm là khu vực cần quan sát kỹ theo chiều Long.
Trong khi đó, chiến lược Bán (Short) chỉ nên được cân nhắc khi giá xác nhận gãy hoàn toàn xu hướng hồi phục, với vùng hỗ trợ tại khu vực quanh 690 điểm.