Tiền đầu cơ bắt cổ doanh nghiệp bên bờ vực

(ĐTCK) Nhờ dòng tiền đầu cơ lan tỏa, nhiều cổ phiếu đang trong quá trình tái cơ cấu như SMC, LDG, HBC, HPX... bất ngờ thu hút mạnh dòng tiền, trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán.
Dòng tiền lan tỏa trên thị trường tạo điều kiện cho cổ phiếu của doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu tăng giá

Dòng tiền lan tỏa: Cơ hội cho cổ phiếu “khó khăn”

Cùng với sự phục hồi chung của thị trường, đặc biệt sau giai đoạn nhóm cổ phiếu Tập đoàn Gelex (mã GEX), Tập đoàn Vingroup (mã VIC) và các cổ phiếu vốn hóa lớn khác dẫn dắt, tạo nhịp phục hồi từ giữa tháng 4/2025 đến nay, trong vòng 1 tháng trở lại đây, dòng tiền bắt đầu có sự lan tỏa mạnh mẽ sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đáng chú ý nhất là nhóm các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn và trong quá trình tái cấu trúc.

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC. Doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực thương mại thép, phải nhận bất động sản để cấn nợ từ đối tác và chưa nhận được dòng vốn mới để tái cấu trúc sau giai đoạn liên tục thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, thực tế thống kê từ ngày 9/4 đến ngày 16/7/2025, cổ phiếu SMC đã tăng 134,2%, từ 5.700 đồng/cổ phiếu lên 13.350 đồng/cổ phiếu, trở thành hiện tượng đi ngược xu hướng nhóm cổ phiếu thép. Thêm vào đó, theo dữ liệu trên iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, trải qua nhịp tăng nóng trong thời gian ngắn, định giá của cổ phiếu SMC hiện không còn thấp khi hệ số P/E đạt 33,64 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 17,75 lần và mức cao nhất lịch sử của chính cổ phiếu này năm 2019 là 13,25 lần.

Trong những năm qua, khi đối mặt với khó khăn về công nợ từ đối tác, Đầu tư Thương mại SMC đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề dòng tiền, như bán tài sản (bất động sản, cổ phiếu niêm yết), chấp nhận chuyển đổi nợ thành cổ phiếu với giá giảm sâu so với giá vốn, cắt giảm nhân sự quy mô lớn và gần đây nhất là chấp nhận đổi các sản phẩm bất động sản tại các dự án để khấu trừ công nợ.

Tuy nhiên, tính đến 31/3/2025, Đầu tư Thương mại SMC vẫn còn lỗ luỹ kế 137,7 tỷ đồng, bằng 18,7% vốn điều lệ; sử dụng 854,5 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ tài sản dài hạn; sở hữu 662,9 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới 2.367,7 tỷ đồng, bằng 292,3% vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, Công ty vẫn còn dự phòng 365,1 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi từ các đối tác.

Điểm đáng lưu ý là trước thềm đại hội cổ đông cuối tháng 5/2025, Đầu tư Thương mại SMC đã trình kế hoạch chào bán 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 730 tỷ đồng nhằm thanh toán các khoản nợ vay, nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, tại đại hội ngày 22/5, tờ trình này đã không còn trong tài liệu đại hội và không được biểu quyết, vì vậy kế hoạch gọi vốn mới vẫn đang bỏ ngỏ.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG), ông Nguyễn Khánh Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có mặt tại đại hội đồng cổ đông ngày 26/6 sau khi hoàn tất thi hành án liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh và Ban lãnh đạo Công ty để ngỏ khả năng tăng sở hữu cổ phiếu LDG trong thời gian tới.

Với các thông tin kỳ vọng mới, từ ngày 26/6 đến ngày 16/7/2025, cổ phiếu LDG đã tăng 136,3%, từ 2.670 đồng/cổ phiếu lên 6.310 đồng/cổ phiếu. Trong đó, chuỗi tăng trần liên tiếp chủ yếu nhờ câu chuyện kỳ vọng, khi trên thực tế vẫn chưa có động thái cơ cấu và thay đổi nào rõ ràng, cũng như chưa có dấu hiệu Công ty được bơm dòng tiền mới.

Hiện tại, Đầu tư LDG đang đối mặt với các vấn đề như cơ cấu cổ đông phân tán, không có cổ đông lớn, việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên gặp khó khăn. Tính tới cuối quý I/2025, Công ty vẫn còn lỗ luỹ kế 1.375,7 tỷ đồng, bằng 53,5% vốn điều lệ; sử dụng 404,8 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ tài sản dài hạn và chỉ còn 3,3 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới 893,1 tỷ đồng (tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tới 73%). Cũng tại thời điểm 31/3/2025, Đầu tư LDG còn phát sinh nợ gốc 443,1 tỷ đồng và lãi 36,2 tỷ đồng chưa thanh toán, đồng thời chưa có kế hoạch nhận vốn mới để tái khởi công các dự án đang gặp khó khăn pháp lý kéo dài, đặc biệt là dự án Khu dân cư Tân Thịnh liên quan sai phạm xây dựng trái phép khi bán cho khách hàng.

Các mã “nóng” khác cùng xu hướng

Khi nhóm dẫn sóng có dấu hiệu chậm lại, dòng tiền đầu cơ có xu hướng tìm kiếm các cổ phiếu chưa tăng, tập trung vào câu chuyện kỳ vọng hơn là thực tế cải thiện của doanh nghiệp.

Một số cổ phiếu “nóng” khác là mã TMT của Công ty cổ phần Ô tô TMT, mã HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, mã HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình...

Cụ thể, sau giai đoạn cuối năm 2024 bùng nổ với câu chuyện kỳ vọng hoàn thành tái cơ cấu, xử lý tồn kho giá cao tại Ô tô TMT, cổ phiếu bắt đầu lao dốc rồi đi ngang. Tuy nhiên, từ ngày 10/7 đến ngày 16/7/2025, cổ phiếu có dấu hiệu hút dòng tiền, bật tăng 18,7% lên 13.650 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, kể từ khi mở rộng sang phân phối xe điện thông qua ký kết hợp tác toàn diện với Công ty SAIC GM Wuling Automobile Co., Ltd, tình hình kinh doanh của Ô tô TMT liên tục lao dốc khi liên tục phải hạ kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Dù có lãi trở lại 33,7 tỷ đồng trong quý đầu năm 2025, Ô tô TMT vẫn còn nhiều điểm cần lưu ý. Trong đó, lỗ luỹ kế vẫn còn 236,2 tỷ đồng, bằng 63,34% tổng vốn chủ sở hữu; tổng nợ vay lên tới 541,3 tỷ đồng, bằng 370,5% vốn chủ sở hữu, cao hơn trung bình ngành 116%; hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) và hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu (ROE) thuộc nhóm thấp nhất ngành, với tỷ suất âm năm 2024 trong khi trung bình ngành lần lượt là 1,71% và 2,01%.

Với cổ phiếu HPX và HBC, từ ngày 1/7 đến ngày 16/7/2025, mã HPX tăng 22,3% lên 5.160 đồng/cổ phiếu và từ ngày 26/6 đến ngày 16/7, mã HBC tăng 12,7% lên 7.100 đồng/cổ phiếu.

Điểm chung của HPX và HBC là các doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khó khăn, đang nỗ lực tái cơ cấu và cổ phiếu bất ngờ hút dòng tiền, bật tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây khi dòng tiền bắt đầu lan toả ra nhiều cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, tạo hiệu ứng hưng phấn trên thị trường, cùng với kỳ vọng thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn, hoạt động xây dựng khởi sắc.

Rủi ro tiềm ẩn của “sóng kỳ vọng”

Theo dữ liệu quá khứ, trong mỗi nhịp sóng của thị trường, nhà đầu tư thường phân loại cổ phiếu thành nhiều nhóm với đặc thù khác nhau, bao gồm nhóm dẫn sóng, nhóm thế vai và nhóm “đội sổ”.

Nhóm cổ phiếu dẫn sóng thường có xu hướng tạo đáy trước thị trường, bật tăng và sau đó lan toả dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu thế vai và “đội sổ”. Tuy nhiên, khi nhóm dẫn sóng có dấu hiệu chậm lại do nhà đầu tư chốt lời, dòng tiền đầu cơ có xu hướng tìm kiếm các cổ phiếu chưa tăng, tập trung vào câu chuyện kỳ vọng hơn là thực tế thay đổi của doanh nghiệp, từ đó nâng định giá nhóm cổ phiếu “đội sổ”.

Thực tế, trong quá khứ, không ít cổ phiếu hình thành mô hình “cây thông” (lên thẳng đứng và xuống không phanh) tương tự như cổ phiếu LDG, SMC..., trong đó có các trường hợp cổ phiếu LDG năm 2022, cổ phiếu QCG năm 2024, cổ phiếu SMC tháng 7/2024...

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định, trong ngắn hạn, khi dòng tiền đầu cơ nhịp tăng trước đó lan toả ra nhiều nhóm ngành, nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn cổ phiếu dễ dàng dựa trên câu chuyện kỳ vọng. Tuy nhiên, sau giai đoạn “dễ dãi”, dòng tiền bắt đầu siết chặt, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp thực sự có tình hình cải thiện thay vì câu chuyện kỳ vọng. Nhóm cổ phiếu này thường có xu hướng giảm mạnh, thậm chí giảm dưới vùng tăng lên, vì vậy sẽ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư nếu không dự phòng điểm cắt lỗ với cổ phiếu “nóng” để tránh trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ khi cổ phiếu quay đầu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục