Ấn tượng nhất là CW dựa trên chứng khoán cơ sở là HPG, đã tăng giá 480% từ đầu tháng 5 đến nay. Kết phiên 19/5, CW dựa trên chứng khoán cơ sở là VPB và HPG có thanh khoản tốt nhất, với giá trị chuyển nhượng toàn sàn chứng khoán đạt gần 12 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Do biến động giảm mạnh của TTCK, nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền từ trước khi đại dịch diễn ra hầu hết là thua lỗ. Theo thống kê trong tháng 4, dù TTCK cơ sở hồi phục, nhưng những CW đáo hạn trong tháng này đều có trạng thái lỗ.
Nguyên nhân chính là giá cổ phiếu cơ sở giảm mạnh trong tháng 2-3, trung bình thấp hơn 20-50% so với giá hoà vốn, trong khi nhiều CW gần đến thời gian đáo hạn.
Trong tháng 4 có thêm 10 CW mới niêm yết dựa theo các cổ phiếu có tính dẫn dắt như MBB, FPT, MWG, HPG, REE, PNJ do Công ty Chứng khoán SSI và Công ty Chứng khoán VNDIRECT phát hành.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát và TTCK hồi phục, nhà đầu tư chứng quyền đang có mức sinh lợi khác. Các mã như CVPB2004, CMWG2004 đang được nhiều nhà đầu tư lướt sóng với tần suất cao và có sinh lợi khá tốt.
Các mã CHPG2004, CFPT2003, CFPT2004 từng có lúc giá thị trường thấp hơn giá thực hiện, nay đã lên trên giá thực hiện - đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư lướt sóng đúng nhịp và cả những nhà đầu tư nắm giữ CW khi IPO tới nay cũng đều ghi nhận sinh lợi.
Trên thị trường cơ sở, cổ phiếu HPG ghi nhận mức tăng gần 28% trong 1 tháng qua (tính đến 18/5), nhưng CW dựa trên HPG là CHPG2004 do SSI phát hành đã tăng 480% kể từ đầu tháng 5 đến nay. Một số mã chứng quyền trên cổ phiếu HPG khác như CHPG2001, CHPG2002… cũng tăng giá.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, VN-Index trên thị trường cơ sở vượt ngưỡng 840 điểm thành công đã kích hoạt dòng tiền đổ vào chứng quyền, nhà đầu tư thay vì đầu tư vào cổ phiếu có thể chuyển một phần vị thế sang các CW tương ứng.
Hiện chỉ còn vài mã CW đang được thị trường định giá thấp hơn so với giá lý thuyết như CVPB2001, CVPB2003, CTCB1902, CMWG2004..., trong đó đáng chú ý là CVPB2003 (do Chứng khoán Bản Việt phát hành) đang có giá thấp hơn so với giá lý thuyết 20%.
Ghi nhận các ý kiến trên thị trường cho thấy, nhu cầu từ các nhà đầu tư đang lớn trở lại do thị trường chứng quyền có nhiều biến động, hấp dẫn dòng tiền.
Khối công ty chứng khoán thì gặp khó khăn hơn khi vừa phải bán ra chứng quyền đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, vừa cần phải giữ một lượng chứng quyền nhất định để tạo lập thị trường.
Đại diện SSI cho rằng, khi TTCK giảm mạnh, nhà đầu tư có sự lựa chọn duy nhất để phòng hộ rủi ro là sử dụng sản phẩm hợp đồng tương lai.
Khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng TTCK chưa xác định xu hướng, cụ thể là xác lập đáy, nhà đầu tư có xu hướng sử dụng chứng quyền mua như một công cụ đầu cơ phí rẻ lại có nhiều lợi nhuận khi thị trường tăng mạnh. Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, nhiều nhà đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao từ chứng quyền.
Với các công ty chứng khoán - là chủ thể phát hành CW, ghi nhận của người viết cho thấy, trước khi dịch bệnh xảy ra, một số công ty đã nộp hồ sơ phát hành mới chứng quyền, nhưng tới khi hồ sơ được duyệt và tiến hành IPO thì hầu hết là bán ế.
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, lúc nộp hồ sơ phát hành các chứng quyền mới, các công ty chứng khoán đã đặt khoảng giá thực hiện và khối lượng phát hành thận trọng hơn để linh hoạt cho việc chốt giá thực hiện cuối cùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư.
MBS cho biết, hiện có 6 công ty chứng khoán tham gia phát hành 58 mã CW dựa trên 22 mã cổ phiếu cơ sở. Về số lượng, Chứng khoán KIS là công ty phát hành nhiều nhất với 26 mã CW, tiếp theo là HCM có 10 mã và VNDIRECT có 7 mã.
Lợi thế của CW là nhà đầu tư xác định được mức lỗ tối đa, lãi không giới hạn. Cụ thể, nếu như giá chứng khoán cơ sở không đi theo dự kiến thì nhà đầu tư chỉ chịu lỗ tối đa bằng với phần phí mua chứng quyền. Phần phí này chỉ bằng 7 - 15% giá mua chứng khoán cơ sở.