Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) sau các kế hoạch M&A

(ĐTCK) Hiện tại, Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) chưa có thông tin cập nhật về kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) các mỏ đá mới, nhưng theo dõi tín hiệu trên trường, KSB đang âm thầm hiện thực hóa mục tiêu này. 

6 tháng ước hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2019

Việc tìm kiếm mỏ đá mới của KSB được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, bởi mỏ đá Tân Ðông Hiệp với chất lượng đá tốt và vị trí thuận lợi để cung cấp đá cho khu vực Ðông Nam Bộ sẽ ngừng khai thác từ đầu năm 2020. Tân Ðông Hiệp là mỏ đá có đóng góp chính trong doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong nhiều năm qua.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, Ban lãnh đạo KSB cho biết, 5 tháng đầu năm 2019, giá bán đá bình quân của mỏ Tân Ðông Hiệp giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm đạt khoảng 900.000 m3 đá, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 780.000 m3 đá. Nguyên nhân được cho là các dự án hạ tầng như tuyến metro số 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, không ít dự án hạ tầng giao thông trong khu vực cũng như các dự án bất động sản... chậm triển khai đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ đá xây dựng và giá bán của mỏ Tân Ðông Hiệp.

Dự báo tình hình hoạt động chung cho 6 tháng đầu năm, KSB chia sẻ, doanh thu ước đạt 602 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 190 tỷ đồng. So với kế hoạch được Ðại hội đồng cổ đông năm 2019 thông qua là 1.400 tỷ đồng doanh thu (tăng 14% so với năm 2018) và 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế) thì nửa đầu năm, KSB hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và hơn 47% kế hoạch lợi nhuận. Kết quả này vẫn đang có sự đóng góp chủ đạo từ mỏ Tân Ðông Hiệp.

Các mỏ đá mới được săn đón

Mỏ Tân Ðông Hiệp có thời hạn đóng cửa vào cuối năm 2019, trong khi nhu cầu đá xây dựng vẫn còn rất lớn đến từ các đại dự án hạ tầng giao thông như Sân bay Long Thành, các dự án đường cao tốc… Chính vì vậy, không riêng gì KSB mà nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng khác cũng đang tích cực mua thêm các mỏ đá mới, vị trí càng gần Sân bay Long Thành càng được săn đón.

Trên thực tế, các mỏ đá ở khu vực Bình Dương vẫn còn nhiều mỏ còn thời gian khai thác, trữ lượng khá nhưng chất lượng đá chưa cao và chi phí vận chuyển lớn; còn ở khu vực Ðồng Nai cũng có khá nhiều mỏ đá, nhưng mỏ đá đáng chú ý nhất vẫn là cụm mỏ Tân Cang có vị trí thuận lợi, trữ lượng còn rất lớn và chất lượng được đánh giá tốt nhất trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, theo sau là Thạnh Phú, Thiện Tân… Ngoài ra, sau khi cụm mỏ Tân Ðông Hiệp và mỏ Núi Nhỏ ngừng hoạt động, nguồn cung đá xây dựng trong khu vực sụt giảm hơn 5 triệu m3/năm sẽ góp phần tác động đến giá bán cũng như nhu cầu tiêu thụ đá của các mỏ đá khu vực Tân Cang, Thạnh Phú và Thiện Tân.

Theo kế hoạch của KSB được chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông năm 2019, KSB cũng đã lên kế hoạch để đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu mỏ đá xây dựng còn trữ lượng lớn và thời hạn khai thác còn dài. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Ban lãnh đạo KSB chưa tiết lộ thêm thông tin về tiến trình này và cho biết, Công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán nên chưa tiện chia sẻ thông tin lúc này.

Hé lộ doanh nghiệp mục tiêu

Một số công ty chứng khoán nhận định, nếu việc sáp nhập một doanh nghiệp đá xây dựng có quy mô lớn được thực hiện thành công thì giá trị và tiềm năng tăng trưởng của KSB sẽ gia tăng đáng kể. Việc đầu tư thêm 3 mỏ mới trong năm 2018 (mỏ Thiện Tân 7 - Ðồng Nai, mỏ Gò Trường - Thanh Hóa, mỏ Bãi Giang - Hà Tĩnh) cho thấy KSB đã và đang có bước chuẩn bị cho việc đóng cửa mỏ Tân Ðông Hiệp.

Dù doanh nghiệp chưa tiết lộ, nhưng theo nguồn tin của Ðầu tư Chứng khoán, tìm kiếm thêm mỏ đá mới thay thế cho mỏ đá Tân Ðông Hiệp của KSB đang có những tiến triển tích cực. Ðặc biệt, diễn biến đáng chú ý khác cần quan tâm, tại một doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Ðồng Nai xuất hiện nhân sự mới trong Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Quốc Phòng. Ông Phòng hiện là thành viên Hội đồng quản trị KSB.

Chưa thể kết luận chắc chắn đây có đúng là doanh nghiệp mục tiêu của KSB hay không, nhưng có cơ sở để tin tưởng khả năng này. Theo tìm hiểu của phóng viên Ðầu tư Chứng khoán, doanh nghiệp vật liệu xây dựng đó đang sở hữu 3 mỏ chính trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai với diện tích mỗi mỏ hơn 100 ha, đặc biệt là mỏ đá nằm trong cụm mỏ Tân Cang, Thạnh Phú và Thiện Tân, với trữ lượng và chất lượng đánh giá tốt nhất khu vực. Với diện tích mỏ lớn, độ sâu và thời gian khai thác còn dài, đây được đánh giá là doanh nghiệp có quy mô lớn và triển vọng tốt nhất trong khu vực Ðồng Nai hiện nay.

Mở rộng khu công nghiệp

Liên quan đến hoạt động cho thuê khu công nghiệp, KSB cho biết, Công ty đã đền bù xong diện tích giai đoạn 1 mở rộng. Tính đến cuối tháng 5/2019, Công ty đã cho thuê hết diện tích khu hiện hữu (212,4 ha), đồng thời đã ký hợp đồng nhận cọc của một số đối tác với diện tích khoảng 50 ha của giai đoạn 1 mở rộng.

Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 mở rộng để bàn giao cho khách hàng, đồng thời tiến hành đền bù giai đoạn 2 mở rộng (diện tích khoảng 187 ha). Dự kiến, đến cuối năm 2019, KSB sẽ cho thuê hết phần diện tích giai đoạn 1 mở rộng (tổng diện tích giai đoạn 1 mở rộng khoảng 128,1 ha).

Ðược biết, giá cho thuê bình quân hiện nay khoảng 70 - 75 USD/m2, tùy theo vị trí và diện tích thuê. Như vậy, giá thuê đã có mức tăng khá mạnh so với mức giá bình quân khoảng 45 - 55 USD/m2 trong giai đoạn 2016 - 2017. Với nhu cầu thuê khu công nghiệp đang tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian qua với các khách hàng đến từ các thị trường Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, có thể thấy tiềm năng trưởng doanh thu và lợi nhuận của KSB từ mảng khu công nghiệp là khá lớn.

Về kế hoạch mua/đầu tư mới khu công nghiệp, lãnh đạo KSB chia sẻ, theo kế hoạch thì Công ty dự định đầu tư thêm một khu công nghiệp tại Bình Dương, nhưng hiện chỉ mới ở bước hoàn thiện các thủ tục hồ sơ. Lý do chọn Bình Dương để mở rộng khu công nghiệp vì đây là tỉnh có hạ tầng giao thông tốt, kết nối vùng thuận tiện và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh vào khu công nghiệp, có sẵn thị trường, là môi trường rất tốt để đầu tư.

Với kế hoạch đầu tư mua lại các mỏ đá xây dựng, tăng công suất các mỏ hiện hữu cũng như đẩy mạnh khai thác mảng kinh doanh khu công nghiệp trong điều kiện thị trường có nhiều thuận lợi cho thấy KSB đã chủ động chuẩn bị cho việc đóng cửa mỏ Tân Ðông Hiệp cũng như kế hoạch tăng trưởng dài hạn cho Công ty trong những năm tới.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục