Theo Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Trung ương, hiện cả nước có 4.510 km đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó có 65 cửa khẩu phụ và rất nhiều đường mòn, lối mở.
Theo dự báo, đến năm 2015, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc sẽ đạt 16 tỷ USD (tăng bình quân 23%/năm), với Lào đạt 2 tỷ USD (tăng 15%/năm) và với Campuchia đạt trên 5 tỷ USD (tăng 27%/năm).
Trong cơ cấu thương mại hàng hóa qua biên giới, các cửa khẩu phụ và lối mở đóng góp tỷ trọng khá lớn, chiếm khoảng 25% tổng kinh ngạch thanh toán biên mậu thời gian qua. Đặc biệt, hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở chủ yếu là hàng xuất khẩu.
Theo số liệu của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2013, số lượng tờ khai xuất khẩu qua các lối mở và cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh gấp gần 35 lần so với số lượng tờ khai nhập khẩu. Tính về giá trị, xuất khẩu qua lối mở và cửa khẩu phụ gấp khoảng 13 lần kim ngạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng được bố trí tại phần lớn các lối mở rất mỏng, các lối mở đều chưa có chi cục hải quan hoặc đội kiểm soát nghiệp vụ, nên hiểm họa gian lận thương mại khá cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Duy Bảo, cán bộ hải quan được cắt cử làm nhiệm vụ theo dõi hàng hóa tại Lối mở Pò Nhùng (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, để tránh việc doanh nghiệp đưa hàng hóa qua biên giới không đúng với tờ khai hải quan đã làm thủ tục, cán bộ hải quan phải ghi chép toàn bộ biển kiểm soát của phương tiện ra vào và đối chiếu hàng hóa thực tế với tờ khai.
Tuy nhiên, không phải lối mở nào cũng có lực lượng chức năng túc trực. Tại những lối mở ở xa và lượng hàng hóa không lớn, cơ quan hải quan không thể bố trí đủ lực lượng để kiểm soát. Do đó, rất khó kiểm soát việc doanh nghiệp có đưa đúng chủng loại và số lượng hàng như khai báo hay không.
Ngoài ra, một nguy cơ gian lận dễ bị “lọt lưới” qua các lối mở biên giới là việc doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách ưu đãi xuất khẩu trong việc hoàn thuế VAT để khai tăng giá trị hàng xuất lên gấp nhiều lần so với giá trị của hàng thực xuất để trục lợi thuế VAT.
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đã có một số hướng dẫn sơ bộ đối với Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố về một số vấn đề trong kiểm soát hoàn thuế VAT với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Theo đó, việc làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với phương tiện (bao gồm cả phương tiện thô sơ) phải phù hợp với hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, cơ quan hải quan phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình và trên cơ sở đó tổ chức kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện trước khi quyết định cho hoàn thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan phải phối hợp với Tổng cục Thuế trong trao đổi thông tin liên quan đến các doanh nghiệp xuất khẩu có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hải quan.
Tuy nhiên, các giải pháp trên đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời và việc có một chính sách cụ thể hơn nữa trong quản lý hoạt động của các lối mở biên giới đang là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.