Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính
Bộ Tài chính đang cùng các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược phát triển TTCK Việt Nam, chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và có mục tiêu trở thành một trong 4 TTCK lớn của khu vực ASEAN.
Mục tiêu tổng quát, chúng ta sẽ xây dựng và phát triển TTCK là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.
Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Quy mô thị trường trái phiếu phấn đấu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của TTCK phát sinh đạt khoảng 20 - 30%/năm. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% vào năm 2030.
Thị trường sẽ được tổ chức lại một cách hiệu quả hơn. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đã có quyết định, chuẩn bị điều kiện để đưa mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán, hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn tổ chức MSCI, FTSE.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư
Theo thống kê của UBCK, đến ngày 30/9/2011, tổng quy mô TTCK đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP, với 2.133 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và hơn 181 tỷ chứng khoán.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư đăng ký hiện đã lên tới gần 3,9 triệu, trong đó, số tài khoản mở mới 10 tháng đầu năm 2021 là gần 1,1 triệu. Thanh khoản thị trường luôn đạt mức cao trong vài năm trở lại đây.
TTCK Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đạt trên 37% GDP.
TTCK năm 2021 thăng hoa chưa từng có với những phiên giao dịch lịch sử, điểm số và thanh khoản liên tiếp lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, khi mà hầu như nhà đầu tư nào tham gia thị trường cũng có thể chiến thắng một cách dễ dàng thì cũng là lúc cần có thêm sự phân tích, đánh giá, thậm chí là cảnh báo, để hoạt động đầu tư chứng khoán trở thành kênh bỏ vốn lành mạnh, an toàn và bền vững trong dài hạn.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK
Thị trường những năm gần đây phát triển nhanh về quy mô, tuy nhiên, trong giai đoạn tới, các thành viên thị trường cần chú trọng hơn tới việc phát triển về chiều sâu và tính bền vững. Cơ quan quản lý định hướng tăng cường giám sát TTCK dựa trên 3 tuyến là công ty chứng khoán, các sở giao dịch và UBCK.
Trong các khâu tư vấn, đưa hàng hóa lên thị trường cũng như phát hành, phần hoạt động tư vấn của công ty chứng khoán rất quan trọng - là chốt chặn đầu tiên để chọn lọc các doanh nghiệp cho thị trường.
UBCK đã chỉ đạo xây dựng hệ thống chấm điểm các công ty chứng khoán có hoạt động tư vấn niêm yết, phát hành trái phiếu, qua đó nâng cao trách nhiệm của nhóm công ty này trong việc lựa chọn cổ phiếu, trái phiếu đưa lên thị trường.
Sắp tới, UBCK sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng vốn ảo, vì đó là hành vi nguy hiểm cho thị trường và nhà đầu tư, không khác gì đưa hàng giả lên thị trường.
Đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp tăng vốn ảo, hoặc sử dụng vốn tăng thêm không đúng mục đích sẽ bị cơ quan quản lý xem xét trách nhiệm.
Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
Trong những năm qua, thị trường UPCoM đã giúp các doanh nghiệp huy động 154.359 tỷ đồng vốn cho sản xuất - kinh doanh qua kênh phát hành bổ sung cổ phiếu.
Trên UPCoM có nhiều cổ phiếu chất lượng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo thống kê, 327 mã cổ phiếu có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) từ 1.000 đồng trở lên, trong đó, 120 mã có EPS từ 3.000 đồng trở lên, không ít mã có thị giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách.
Thanh khoản trên UPCoM 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.470 tỷ đồng/phiên, tương đương 50% giá trị giao dịch bình quân trên HNX.
Để tăng thanh khoản, Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính đã mở đường cho hoạt động giao dịch ký quỹ trên UPCoM khi quy định chứng khoán được giao dịch ký quỹ bao gồm cả cổ phiếu đăng ký giao dịch đáp ứng các tiêu chí theo quy định của UBCK về thời gian đăng ký giao dịch, quy mô vốn và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tính thanh khoản, biến động giá của cổ phiếu...
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Quyền tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Sự phát triển của TTCK giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn nhiều.
Trước đây, nguồn vốn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng hiện nay, thị trường cổ phiếu, trái phiếu giúp doanh nghiệp đa dạng kênh dẫn vốn, xây dựng cơ chế tối ưu, an toàn hơn, phát triển kinh doanh tốt hơn.
Tiềm năng phát triển của TTCK còn lớn. Gần 100 triệu dân hiện nay mới có hơn 1% dân số thực sự tham gia thị trường.
Tỷ lệ này còn thấp mà giá trị giao dịch đạt 2 tỷ USD/phiên cho thấy tiềm năng vốn đầu tư ở trong dân rất lớn.
TTCK phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sẽ tạo ra sự phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính, UBCK nâng cao chất lượng của các tổ chức tham gia thị trường.
Đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, nhưng khủng hoảng không tác động lên tất cả và trong nguy luôn có cơ. Như thời gian qua, các doanh nghiệp lớn, đầu ngành ở nhiều lĩnh vực gia tăng được thị phần, tăng hiệu quả hoạt động.
Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc, phụ trách Chi nhánh Hà Nội, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital
Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi về chất của TTCK.
Động lực phát triển của thị trường trước đây chưa rõ ràng, nhưng hiện nay có 3 động lực chính.
Một là động lực tài chính: Mức tăng trưởng thu nhập bình quân trên đầu người giúp tăng nhu cầu đầu tư, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm.
Hai là động lực về công nghệ: Các công ty chứng khoán hàng đầu và ngành quản lý quỹ đã có sự thay đổi đáng kể, công nghệ cho phép nhà đầu tư tham gia thị trường dễ dàng, với nhiều tiện ích hỗ trợ.
Ba là động lực về nhận thức của nhà đầu tư về TTCK. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, số lượng nhà đầu tư tăng từ 2,5 triệu lên gần 4 triệu.
Ngành quản lý quỹ cũng có sự phát triển nhanh cùng sự phát triển của TTCK khi đang quản lý 443.000 tỷ đồng. TTCK đã đi qua những giai đoạn khó khăn để đi đến giai đoạn phát triển vững mạnh hơn.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital
Quy mô TTCK Việt Nam chưa quá lớn, nhưng giá trị giao dịch đã vượt qua nhiều thị trường mới nổi như
Philippines, Malaysia… và tiệm cận thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN.
TTCK Việt Nam đang phát triển rất tốt và nhu cầu về quản lý tài sản ngày càng tăng.
Các công ty quản lý quỹ trong 1 năm gần đây rất nỗ lực để đưa ra các sản phẩm mới, tích sản cổ phiếu, tích sản chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư. Trong 3 - 5 năm tới, quy mô thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Đầu tư đạt mức sinh lời 15%/năm là chiến lược của SGI Capital. Trong rổ 100 mã chứng khoán, nếu chọn ra rổ chỉ số của nhóm cổ phiếu tốt hơn, hiệu suất sinh lời sẽ cao hơn. Theo đó, chúng tôi chia thị trường thành 4 phân lớp, bao gồm nhóm đầu tư tăng trưởng 30%/năm.
Với nhà đầu tư cá nhân, chọn 5 - 7 cổ phiếu là đủ cho quản lý danh mục, sau 3 năm, giá trị tài khoản có thể tăng gấp đôi, gấp ba.
Bà Phạm Thị Thế, Cố vấn Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 1369
Trong lĩnh vực bất động sản, đặc thù của các doanh nghiệp là cần lượng vốn lớn. Trong 2 năm qua, vì dịch bệnh Covid-19, hầu hết doanh nghiệp thiếu nguồn vốn và dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, TTCK đã giúp doanh nghiệp giải quyết phần lớn vấn đề này.
Nếu doanh nghiệp bất động sản chỉ phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng thì rất rủi ro, vì mức độ đánh giá rủi ro và tín dụng của ngân hàng từng thời điểm là khác nhau.
Công ty chúng tôi chuyên về xây dựng, trải qua nhiều thăng trầm, có lúc rất khó khăn, tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng nhờ TTCK, quy mô vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng khi lên sàn 5 năm trước đến nay đã tăng lên 600 tỷ đồng - với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là sự phát triển vượt bậc.
Hiện có nhiều doanh nghiệp huy động vốn, cả vốn cổ phần và trái phiếu. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên có sự quan tâm, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp dự định đầu tư và vai trò của công ty chứng khoán trong việc hỗ trợ về phương pháp, tư duy đầu tư cho nhà đầu tư là rất cần thiết.
Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG)
Vốn hoá của NLG tăng trưởng theo quy mô TTCK, từ 100 triệu USD khi niêm yết năm 2013 lên 1 tỷ USD hiện nay.
Huy động vốn qua TTCK phụ thuộc vào ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp như ngành nghề đã kín tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài (room) thì khó huy động hơn, định giá cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng. Đó cũng là lý do khiến NLG duy trì một mô hình khác về huy động vốn mà không vay nợ quá nhiều. Vừa qua, NLG đã thành công trong huy động vốn, không bị rủi ro cao về vay nợ, cổ phiếu gần đây được quan tâm hơn trên thị trường.
Hy vọng, các quy định liên quan đến room đối với ngành nghề bất động sản sẽ thay đổi, giúp doanh nghiệp trong ngành thuận lợi huy động vốn, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Cổ phiếu bất động sản có vẻ vẫn đang là kênh tích sản quen thuộc của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp trước khi đầu tư.
Ông Lê Đức Khánh Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS
TTCK còn dư địa để phát triển, số lượng nhà đầu tư sẽ tăng thêm nhiều, mặt bằng giá lên cao hơn.
Thời gian qua, nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh như ngân hàng, chứng khoán, thép, năng lượng, nhưng không ít nhóm ngành vẫn còn tiềm năng tăng giá mạnh.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhóm ngành tài chính, năng lượng, xây dựng, đầu tư công sẽ được nhà đầu tư quan tâm vì có triển vọng sáng. Kinh tế phục hồi, nhóm dầu khí cũng có triển vọng trong giai đoạn cuối năm 2021 và cả năm 2022.
Nhóm bất động sản có cơ hội ở những doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất. Nhóm cổ phiếu phân đạm và cảng biển dự kiến có kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian tới.
Ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Năm 2021, dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp tăng khoảng 18%, giai đoạn 2022 - 2023 tăng trên 20%/năm.
Theo đó, TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan.
Nền tảng vĩ mô sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển trong dài hạn.
Theo dự kiến, GDP/đầu người Việt Nam sẽ tăng lên ít nhất 5.500 USD và tầng lớp trung lưu gia tăng từ 20% lên 25% vào năm 2025, tức có khoảng 25 triệu người Việt Nam có thu nhập lớn gấp đôi GDP bình quân (khoảng 11.000 USD/người/năm)…
Đây là cơ sở cho mục tiêu 8% dân số mở tài khoản chứng khoán vào năm 2030.