Tích hợp tính năng dân sinh vào thẻ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tận dụng hạ tầng tài nguyên bằng việc kết hợp thẻ ngân hàng với các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, giáo dục… là nhu cầu cấp thiết, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Khách hàng có thể mua vé xe buýt điện Vinbus bằng thẻ ngân hàng Khách hàng có thể mua vé xe buýt điện Vinbus bằng thẻ ngân hàng

Giấc mơ xa vời

Tháng 8/2014, người viết lần đầu đi Singapore, chị đồng nghiệp đưa tôi một cái thẻ và dặn: “Trong thẻ còn vài đô la Singapore, đủ để sử dụng phương tiện công cộng 1 - 2 chuyến khi vừa sang, sau đó phải nạp thêm tiền để dùng tiếp. Cứ nạp nhiều tiền vào, vừa dùng để chi trả cho việc di chuyển, vừa có thể mua sắm tại các cửa hàng”.

Do chị đồng nghiệp đi Singapore lần cuối cũng khá lâu, trong khi trên thẻ lại không thấy ghi thời hạn sử dụng nên tôi có hỏi về khả năng tiếp tục dùng, chị cười bảo: “Thẻ này đã dùng từ rất lâu và được luân chuyển đến mấy người rồi. Cứ người quen nào đi Singapore là bọn chị đưa thẻ, nạp tiền và sử dụng, nên cứ yên tâm”.

Sang đến nước bạn, tôi rón rén nạp 10 đô la Singapore tại ga tàu điện ngầm với suy nghĩ, “nhỡ có vấn đề gì thì chỉ mất ít tiền”. Tuy nhiên, nỗi quan ngại đã nhanh chóng tiêu tan sau lần sử dụng đầu tiên. Tiện ích của chiếc thẻ khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như thanh toán mua hàng trong thời gian tại Singapore khiến tôi thầm nghĩ, giá như ở Việt Nam có chiếc thẻ đa năng như thế này để tiết kiệm tài nguyên, thay vì từng ngân hàng sử dụng loại thẻ riêng, xe buýt thẻ khác, mỗi siêu thị cũng có thẻ riêng biệt…

Chiếc thẻ được đồng nghiệp cho mượn đi Singapore năm đó về sau chuyển sang một vài người khác sử dụng.

Đến năm 2017, khi có chuyến công tác tại Singapore, một người bạn đưa lại chính chiếc thẻ trên cho tôi sử dụng. Một lần nữa, tôi nghĩ đến các thành phố lớn ở Việt Nam đều hướng tới đô thị thông minh, nhưng đến khi nào người dân mới được tham gia giao thông công cộng trên cùng một thẻ?

Số liệu thống kê mới nhất đến cuối năm 2020 của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành toàn thị trường đạt 103 triệu. Thẻ nội địa chiếm số lượng áp đảo với 88,3 triệu, còn thẻ quốc tế là hơn 14,8 triệu. Hạ tầng này chưa được tận dụng khi ở các thành phố lớn, hầu hết người dân có thẻ ngân hàng, tài khoản ngân hàng, nhưng mỗi phương tiện công cộng vẫn có thẻ riêng.

Và giấc mơ có thật

Đầu tháng 12/2021, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với các ngân hàng ra mắt dịch vụ thanh toán trên xe buýt điện Vinbus bằng thẻ chip contactless và thanh toán vé tháng bằng tài khoản ngân hàng.

Theo đó, từ ngày 2/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên do Vinbus vận hành chính thức phục vụ người dân Hà Nội. Hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc của các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Viet Capital Bank, VietBank, SeABank… để mua vé.

Với giải pháp thanh toán không tiền mặt từ NAPAS, khách hàng có thể đưa thẻ ngân hàng của mình chạm nhẹ lên thiết bị lắp đặt trên xe buýt để nhận vé, tránh tiếp xúc và đặc biệt đảm bảo an toàn trong đại dịch Covid-19.

Phát triển các sản phẩm thanh toán đa tính năng ứng dụng công nghệ chip trong nhiều lĩnh vực là hướng đi lâu dài của NAPAS.

Được biết, NAPAS sẽ triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt đối với các phương tiện giao thông công cộng tại nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, TP.HCM - nơi Vinbus có chi nhánh và dịch vụ tương tự.

Thực tế, thanh toán điện tử ai cũng biết tiện ích như thế nào, nhưng người dân có lẽ còn ngại giao dịch những món nhỏ và thường thanh toán món lớn mới dùng thanh toán điện tử. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh NAPAS cho rằng, đây là thói quen và hành vi cần thay đổi dần dần.

Theo ông Hùng, NAPAS sẽ góp phần thay đổi thói quen đó cũng như tạo thuận tiện cho người dùng bằng việc sử dụng thẻ chip không tiếp xúc khi thanh toán trên xe buýt sẽ không cần phải nhập mật khẩu.

“Việc giảm bớt các bước cho thanh toán đối với giao dịch nhỏ sẽ đem đến sự thuận tiện và dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân trong sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Hùng nói.

Quả vậy, để thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân, trước tiên thẻ phải tạo sự thuận tiện tối đa. Nhớ lại thời gian ở Singapore, người dân chỉ việc chạm chiếc thẻ vào đầu đọc được gắn vào các cột - đồng thời là thanh chắn trước khi vào tàu điện ngầm, thanh chắn sẽ nhấc lên để người dân đi qua. Đến điểm xuống, khách hàng cũng chỉ dùng mỗi thao tác chạm thẻ, đầu đọc sẽ tự động trừ tiền và thanh chắn lại nhấc lên, mời khách hàng đi qua.

Tại Việt Nam, thông tin tích cực được lãnh đạo NAPAS chia sẻ là với thẻ chip không tiếp xúc, người dân chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ trên xe là có thể thanh toán vé lượt, thay vì tiền mặt. Ưu điểm nổi trội của thẻ chip là tăng cường tính năng an toàn, bảo mật thông tin, phòng tránh rủi ro gian lận, giả mạo trong giao dịch thẻ, tích hợp tính năng thanh toán với các tính năng khác trong nhiều lĩnh vực.

“Thẻ chip nội địa không chỉ dừng ở các chức năng cơ bản như rút tiền tại ATM, thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán (POS), mà còn được tích hợp sử dụng trong các lĩnh vực khác như: giao thông, y tế, giáo dục… Việc phát triển các sản phẩm thanh toán đa tính năng ứng dụng công nghệ chip trong nhiều lĩnh vực là hướng đi lâu dài của NAPAS nhằm đem lại tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho người dùng, từ đó thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, cũng như nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, với việc thanh toán bằng thẻ chip ngân hàng, đơn vị quản lý và vận hành giao thông sẽ kiểm soát minh bạch hơn về lưu lượng khách đi lại trên các tuyến xe, làm cơ sở để tối ưu hóa, tiến tới mô hình thành phố thông minh. Hơn thế, sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc để thanh toán vé xe bus điện của Vinbus và các tiện ích thanh toán tương tự khác là tiện ích để người dân sớm chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip ngân hàng, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, góp phần phát triển kinh tế số.

Quay lại câu chuyện ở Singapore, do đổi từ túi xách sang balo để đựng máy tính khi đi họp, tôi để quên thẻ ở khách sạn, nên khi đi tàu điện ngầm buộc phải mua vé bằng tiền mặt. Tôi và đồng nghiệp ở báo khác đi tìm, nhưng không thấy quầy có nhân viên bán vé quanh đó, mà chỉ có cây bán vé tự động. Chúng tôi tính toán chi phí cho quãng đường sẽ đi và quyết định thả đống xu lẻ trong túi để mua 2 vé.

Câu chuyện không có gì để chia sẻ nếu không phát sinh tình huống, chúng tôi thả vào trong máy tiền xu mệnh giá 1 đô la thì trên bảng máy tính hiện lên số tiền đã thanh toán và nhắc số tiền cần thanh toán tiếp. Sau khi tính toán số tiền cần thanh toán khớp với đống xu loại 20 cent đang có, chúng tôi thả hết vào máy, nhưng máy... im lặng. Không hiểu chuyện gì xảy ra, chúng tôi nhờ một người dân đi qua hỗ trợ. Người đó giải thích: “Máy chỉ nhận xu có mệnh giá 1 đô la trở lên, theo đó, mệnh giá 20 cent thả vào là bị nuốt, mà không được tính”.

Thời điểm đó là dịp Quốc khánh ở Singapore, giai đoạn các cửa hàng giảm giá rất mạnh các món hàng và chỉ vì quên thẻ, đống xu bị máy nuốt tương đương số tiền để mua một cái áo phông của hãng Giordano in dòng chữ I love Singapore phía trước với giá 3,5 đô la Singapore, trong khi về Việt Nam, chiếc áo này trị giá 300.000 - 400.000 đồng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục