TS. Bùi Sỹ Lợi: Bốn trụ cột đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Sáng ngày 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Tại phiên họp, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cho biết, ngay từ những ngày đầu kỳ họp, Tổng Bí thư đã ký hai nghị quyết hết sức quan trọng về chính sách xã hội.

Đó là Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Đây chính là quá trình tổng kết 30 năm đổi mới của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội và chính sách xã hội.

Đây cũng thể hiện quan điểm của Đảng là phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta hết sức khó khăn, ngân sách rất hạn chế nhưng Quốc hội,

Chính phủ đã dành một nguồn lực rất đáng kể để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, được quốc tế đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta ngày càng được hoàn thiện và đã trở thành bốn trụ cột hết sức quan trọng. Đó là: Phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro và các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.

Về trụ cột chính sách phòng ngừa rủi ro để đảm bảo cuộc sống cho người dân bao gồm ba chính sách cơ bản nhất, đó là: Một là giải quyết việc làm; hai là đào tạo nâng cao tay nghề để người lao động bước vào thị trường lao động; ba là giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo bền vững là chính sách xã hội nhưng lại tác động đến an sinh xã hội của người dân.

Hiện nay đất nước ta có 53,7 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân nhưng chiếm 70% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực phi kết cấu, đây là một khu vực chúng ta gọi là không có quan hệ lao động và rất dễ bị rủi ro cho người lao động.

70% lực lượng lao động làm việc như thế nhưng tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 đến 3/4 lực lượng lao động đang làm việc.

Điều đáng quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp chúng ta kìm chế nhưng đến nay tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi chiếm 7,5%. Đáng lưu ý là thanh niên trong độ tuổi lao động đô thị chiếm 11,45%, số học sinh tốt nghiệp các trường đại học ra trường không tìm được việc đang rất khó khăn.

Trong điều kiện năng suất lao động thấp, tốc độ tăng tiền lương bình quân nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất lao động tăng 4,4% nhưng tiền lương trong khu vực công tăng 8% và khu vực có quan hệ lao động tăng 12,2%, đây là nghịch lý.

Trên cơ sở này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi kiến nghị 3 vấn đề. Một là tập trung giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm 2 khu vực:

Khu lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động và lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân để đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hai là, phải chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao.

Ba là, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động bao gồm đầu tư công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị doanh nghiệp.

Trụ cột thứ hai là giảm thiểu rủi ro bao gồm 2 chính sách BHYT và BHXH. BHYT đạt 86% dân số nhưng là trong 86% này thì 70% từ ngân sách hỗ trợ. Để đảm bảo cân đối quỹ BHYT, theo ông Bùi Sỹ Lợi là:

Chính phủ phải quản lý rất chặt quỹ BHYT để đảm bảo hiệu quả nâng cao sức khỏe người dân và phải có lộ trình nâng mức đóng BHYT từ 4,5% hiện nay lên 6% theo trần Luật BHYT cho phép.

Hiện nay, mới đạt 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH trong khi Nghị quyết 28-NQ/TW muốn phải bao phủ toàn dân.

“Chúng ta phải thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước bằng 30% cho lao động hộ nghèo, 25% cận nghèo và 10% cho hộ khác, bằng một cơ cấu 50-50 hoặc có thể cao hơn để khuyến khích đưa lực lượng lao động tham gia vào BHXH tự nguyện để mở rộng đối tượng” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Trụ cột thứ ba là khắc phục rủi ro thì phải có một sàn an sinh xã hội, tức là phải đảm bảo lương cho người cao tuổi không có thu nhập.

Để làm được điều này cần nghiên cứu lộ trình để giảm tuổi người được hưởng từ 80 xuống 75 và 70. Bên cạnh đó, phải nâng mức trợ cấp từ 270.000 lên bằng chuẩn nghèo thì mới đảm bảo được an sinh xã hội.

Trụ cột cuối cùng là 5 dịch vụ xã hội cơ bản, nhà ở tối thiểu, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và thông tin truyền thông. Trong đó, nhà ở là vấn đề quyết định, phải trở thành một trụ cột quan trọng của an sinh xã hội./.

Như Chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục