Tích cực mua đuổi cổ phiếu họ Vingroup, một quỹ mở tăng trưởng gần 30% chỉ trong 3 tháng

(ĐTCK) Một quỹ đầu tư tích cực mua đuổi cổ phiếu họ Vingroup giúp hiệu quả đầu tư tăng trưởng tới gần 30% kể từ cú sốc thuế quan đầu tháng 4/2025 cho tới nay.

Từ “cú sốc” đến cơ hội

Theo báo cáo từ Fmarket - nền tảng tập trung nhiều quỹ mở nhất tại Việt Nam, hiệu suất nửa đầu năm của phần lớn các quỹ đầu tư đều chịu tác động đáng kể từ biến động mạnh của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, một số quỹ với chiến lược đầu tư linh hoạt đã phản ứng nhanh với biến động vĩ mô và ghi nhận mức phục hồi ấn tượng, có quỹ tăng trưởng tới gần 30% chỉ trong 3 tháng.

6 tháng đầu năm 2025, thị trường tài chính toàn cầu chịu tác động của nhiều yếu tố bất định, nổi bật nhất là cú sốc thuế quan đầu tháng 4 khiến VN-Index đã có lúc rơi xuống mốc 1.073 điểm. Tâm lý thị trường dao động mạnh, nhiều nhà đầu tư phải đối mặt với áp lực điều chỉnh danh mục.

Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng phục hồi và duy trì đà tăng đến hết tháng 6. Khép lại nửa đầu năm, VN-Index đóng cửa tại 1376.07 điểm – mức cao nhất trong hơn 3 năm kể từ tháng 4/2022. Tính chung 6 tháng, chỉ số tăng hơn 109 điểm, tương đương khoảng 8,6%. Trong đó, bộ ba VIC – VHM – VPL đóng góp tổng cộng 106 điểm trong 6 tháng đầu năm.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hầu hết hiệu suất các quỹ mở trong nửa đầu năm 2025 có phần trầm lắng. Đặc biệt, các quỹ từng dẫn đầu hiệu suất năm 2024 lại có dấu hiệu bị chững lại, chủ yếu do nhóm cổ phiếu chủ đạo trong danh mục, đặc biệt là công nghệ và ngân hàng đã trải qua chu kỳ tăng trưởng mạnh. Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như nhóm cổ phiếu “họ Vin” lại không được ưu tiên tỷ trọng cao trong danh mục quỹ mở.

Ngược lại, một số quỹ có chiến lược linh hoạt đã tận dụng nhịp phục hồi để bứt phá lợi nhuận, trong đó quỹ DCDS ghi nhận mức sinh lời gần 30% chỉ chưa đầy 3 tháng, tính từ ngày 10/04.

Top quỹ mở hồi phục ấn tượng kể từ cú sốc thuế quan

Theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực chứng khoán của Dragon Capital, hiệu suất của quỹ có được nhờ vào việc nắm giữ tỷ trọng cao những cổ phiếu tăng tốt như TCB (38%) hay STB (26%), đồng thời quỹ cũng mua vào kịp thời các cổ phiếu VIC và VHM ở mức giá hấp dẫn.

Theo báo cáo của DCDS, tính tới cuối tháng 2/2025, bộ ba VHM, VIC, VRE chưa nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ. Tuy nhiên tới cuối tháng 5 (theo báo cáo mới nhất), VHM là khoản đầu tư lớn nhất danh mục của DCDS với tỷ trọng 8,6% tài sản đầu tư. Bộ đôi VIC và VRE cũng nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng lần lượt là 6,1% và 4,6%.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, hai quỹ cổ phiếu cùng do MB Capital quản lý lần lượt giữ vị trí dẫn đầu với mức lợi nhuận lên tới gần 10,9% và 9,7%. Hai quỹ còn lại là BVFED của Bảo Việt Fund với 8,47% và DCDS của Dragon Capital với 8,12% trong nửa đầu năm.

Vai trò phòng thủ của quỹ trái phiếu và quỹ cân bằng

Khác với sự biến động của quỹ cổ phiếu, các quỹ trái phiếu tiếp tục duy trì vai trò phòng thủ nhờ lợi suất ổn định và cao hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025, quỹ trái phiếu DCBF ghi nhân mức lợi nhuận 3,19%, quỹ VFF đạt 3,14% và VNDBF với lợi nhuận 3,01%.

Một số quỹ trái phiếu phân bổ một phần danh mục vào cổ phiếu, chẳng hạn LHBF đang cho lợi nhuận tốt hơn các quỹ trái phiếu thông thường với 3,81%, gấp đôi lãi suất tiết kiệm.

Nhóm quỹ cân bằng, dù vẫn chịu ảnh hưởng nhất định bởi danh mục cổ phiếu, nhưng rủi ro được kiểm soát tốt hơn nhờ thu nhập đều đặn từ trái phiếu. Quỹ VIBF dẫn đầu nhóm này với mức sinh lời 3,34% trong nửa đầu năm.

Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường tiềm ẩn nhiều biến số, quỹ trái phiếu thanh khoản (MMF) nổi lên như “bến đỗ tạm thời” cho dòng tiền chờ cơ hội mới.

Tính thanh khoản cao và khả năng nhận lãi theo thời gian nắm giữ là lợi thế của hình thức này so với gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn. Trong 6 tháng đầu năm, các quỹ MMF trên Fmarket duy trì hiệu suất ổn định: MBAM (3.22%), ABBF (3%), DCIP (2,67%), SSIBF (2,59%), VNDBF (2,58%). Trong đó, DCIP là quỹ MMF được nhà đầu tư trên Fmarket đầu tư nhiều nhất trong nửa đầu năm.

Các quỹ trái phiếu tiếp tục duy trì vai trò phòng thủ nhờ lợi suất ổn định và cao hơn lãi suất tiết kiệm

Nhiều yếu tố hỗ trợ trong nửa cuối năm

Bước sang nửa cuối năm 2025, thị trường được kỳ vọng hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ: chính sách tiền tệ nới lỏng tạo môi trường thanh khoản dồi dào, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi thu hút dòng vốn ngoại, cùng các cải cách mạnh mẽ trong khuôn khổ “Đổi mới 2.0” – đặt khu vực tư nhân vào trung tâm tăng trưởng dài hạn.

Với những động lực này, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư giúp tăng trưởng tài sản vượt trội.

Thống kê từ Dragon Capital, những nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ DCDS trên 12 tháng thường đạt hiệu suất vượt trội hơn so với các nhóm nắm giữ trong thời gian ngắn hơn. Theo đó, quỹ cổ phiếu DCDS ghi nhận mức hiệu suất vượt trội so với chỉ số thị trường VN-Index. Tính tới ngày 30/6, lợi nhuận lũy kế 5 năm gần nhất đạt 141%, tương ứng mức lợi nhuận kép bình quân 19,2% một năm.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển mình kinh tế mạnh mẽ, quỹ mở được dự báo tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phân bổ tài sản của cả nhà đầu tư.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục